Kiểm soát các biến chứng do bệnh tiểu đường

Kiểm soát các biến chứng do bệnh tiểu đường

Nếu bạn bị tiểu đường, kiểm tra đường huyết thường xuyên và duy trì hàm lượng đường huyết là không đủ. Bạn phải thường xuyên tự kiểm tra các biến chứng do tiểu đường như võng mạc tiểu đường, bệnh thận tiểu đường, thần kinh tiểu đường, bàn chân tiểu đường.

 

Xét nghiệm HbA1C

 

Xét nghiệm HbA1C

Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định liệu điều trị có mang lại hiệu quả hay không bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu ba tháng một lần. Khác với xét nghiệm máu thường xuyên mà bạn làm ở nhà, HbA1C cung cấp các thông số chi tiết về mức đường huyết của bạn trong vài tháng qua.

Huyết áp

Hãy đo huyết áp mỗi lần đi khám bác sĩ. Hãy duy trì chế độ ăn và dùng thuốc hợp lý để duy trì huyết áp. Huyết áp cao thường không có triệu chứng và có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị bệnh tim và đột quỵ.

Kiểm tra hàm lượng chất béo

Nếu bạn bị béo phì và có lối sống ít vận động, bạn cần kiểm tra hàm lượng cholesterol và triglycerid máu ít nhất 1 lần mỗi năm. Tăng đáng kể hàm lượng đường huyết có thể làm tăng mức cholesterol từ đó gây ra các biến chứng cho tim. Vì vậy, cần đảm bảo thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt và thường xuyên tập luyện để kiểm soát hàm lượng cholesterol.

Kiểm tra mắt

Hàm lượng đường huyết không được kiểm soát làm tổn thương các mạch máu trong võng mạc dẫn tới võng mạc tiểu đường và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh glôcôm và đục thủy tinh thể. Đây là nguyên nhân tại sao bạn nên được kiểm tra sức khỏe mắt và thị lực ít nhất một lần mỗi năm.

Kiểm tra chức năng thận

Nếu bạn bị tiểu đường cần kiểm tra chức năng thận một lần mỗi năm. Đường huyết cao có thể gây tổn thương các mạch máu trong thận và do vậy ảnh hưởng tới chức năng chung. Nguy cơ này cũng cao hơn nếu bạn bị huyết áp cao.

Kiểm tra tổn thương thần kinh

Bạn có thể bị các triệu chứng tổn thương thần kinh như tê, tiêu chảy, mất kiểm soát bàng quang và chóng mặt nếu đường huyết tăng cao ảnh hưởng tới dây thần kinh. Do đó, nếu bạn gặp các triệu chứng trên, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Khám răng

Nếu bạn bị tiểu đường và đường huyết không được kiểm soát, rất có thể bạn sẽ bị sâu răng. Ngoài ra, bệnh lợi có thể xảy ra thường xuyên hơn và mất nhiều thời gian hơn để lành. Vì vậy, cần đi khám bác sĩ 6 tháng 1 lần nếu bạn bị tiểu đường.

Bạn cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống tích cực, thường xuyên uống thuốc và kiểm tra sức khỏe.

BS Thu Vân

(theo Univadis/THS)

Rate this post