Huyền sâm còn gọi hắc sâm, nguyên sâm, giác sâm,… là rễ phơi khô của cây huyền sâm (Scrophularia buergeriana Miq.). Huyền sâm chứa scrophularin, sterol, alcaloid, acid béo (oleic, linoleic), tinh dầu và chất đường. Vị đắng mặn, tính hơi hàn; vào kinh phế và thận. Huyền sâm có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, giải độc, tan khối kết. Chữa chứng nhiệt nhập phần dinh, thương âm: miệng khô, phế táo, ho khan; nhiệt bệnh phát ban, hầu họng sưng đau, ung nhọt sang độc, loa lịch đàm thạch.
Liều dùng: 8-63g. Sau đây là một số cách dùng huyền sâm trị bệnh.
Mát hầu họng, giảm đau:
Bài 1: huyền sâm 20g, ngưu bàng tử 20g. Sắc uống. Trị họng sưng tấy đỏ đau.
Bài 2: huyền sâm 20g, sinh địa 16g, mạch đông 12g, cam thảo 4g, bối mẫu 8g, đơn bì 12g, bạch thược 16g, bạc hà 2g. Sắc uống. Trị bạch hầu.
Giải độc, tiêu ban:
Bài 1: Thang hóa ban: thạch cao sống 24g, tri mẫu 12g, cam thảo 8g, ngạnh mễ 8g, huyền sâm 12g, sừng trâu 15g. Sắc uống. Trị ôn bệnh phát ban.
Bài 2: Thang huyền sâm thăng ma: huyền sâm 16g, thăng ma 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị phát ban đau họng.
Nhuyễn kiên, tán kết: huyền sâm 16g, mẫu lệ 12g, bối mẫu 8g, liên kiều 16g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống. Trị các chứng lao hạch vùng cổ (chưa vỡ mủ), hạch lâm ba bị viêm.
Tư âm giáng hỏa:
Bài 1: Thang thanh dinh: huyền sâm 20g, tê giác 4g, sinh địa 24g, trúc diệp tâm 12g, đơn sâm 16g, mạch môn 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, hoàng liên 4g. Sắc uống. Dùng cho các trường hợp nhiệt làm tổn thương âm, tim hồi hộp, miệng khát, đêm ngủ không yên; các chứng lao phổi, xương đau nóng, sốt nhẹ. Có thể dùng trị ung thư máu, tinh hồng nhiệt độc do đơn mà phát ban, phát sởi hoặc tim hồi hộp mê man.
Bài 2: Thang tư sinh: huyền sâm 20g, sơn dược 63g, bạch truật 12g, ngưu bàng tử 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống. Trị lao phổi mà cơ thể suy nhược, ho hen, sốt.
Ngoài ra, huyền sâm còn chữa viêm mạch máu trong thang Tứ diệu dũng an (gồm huyền sâm, kim ngân hoa, đương quy, cam thảo).
Kiêng kỵ: Thuốc có tính hàn và ngưng trệ dễ làm hại đến khí của dạ dày. Người tỳ vị có thấp, hư và tiêu chảy kiêng dùng. Không dùng chung huyền sâm với lê lô.
TS. Nguyễn Đức Quang