Trong số các tác nhân gây khởi phát cơn hen, các yếu tố có liên quan đến môi trường làm việc đóng góp một tỷ lệ không nhỏ và trong trường hợp này, người ta gọi là hen do nghề nghiệp (Occupational asthma). Những cơn hen thường xuất hiện vào đầu tuần làm việc và giảm đi vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ nên còn được gọi là “bệnh của đầu tuần”.
Hen do nghề nghiệp, tại sao?
Theo thống kê, tại các công xưởng, nhà máy xí nghiệp, nông trại… có tới gần 400 yếu tố có liên quan đến việc gây khởi phát cơn hen phế quản cấp. Hàng đầu là các chất hóa học được sử dụng trong công nghiệp tẩy rửa, làm trắng (công nghiệp dệt may), các chất kết dính, sơn tạo màu, chất dẻo, cũng như vô vàn các chất tổng hợp khác trong mọi loại ngành công nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, khói, bụi cũng như mức độ ô nhiễm tại các nhà máy xí nghiệp nếu vượt chuẩn cho phép cũng là một yếu tố nguy cơ đối với những người có bệnh hen nói chung và hen do nghề nghiệp nói riêng. Hen do nghề nghiệp cũng có thể xuất hiện ở những người làm nghề thủ công như thợ mộc (tiếp xúc với chất đánh bóng, tẩy rửa, sơn gỗ), thợ vàng bạc, thợ giày… Những người làm việc tại các trang trại cũng có nguy cơ hen do các yếu tố gây dị ứng cao như phấn hoa, các bụi hữu cơ từ hạt ngũ cốc, thân cây lúa mì, ngô, lúa mạch và cũng phải kể đến các chất trừ sâu, diệt cỏ, chất bảo quản hoa quả, chất kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, các xí nghiệp, công ty dược phẩm cũng luôn có nhiều loại thuốc, hóa chất, chất phụ gia có thể là nguyên nhân khởi phát cơn hen ở những người nhạy cảm hoặc có tiền sử hen phế quản.
Biểu hiện của cơn hen do nghề nghiệp
Khi đến nơi làm việc, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, cơn hen sẽ xuất hiện với các dấu hiệu như mệt mỏi, đau đầu, khó thở tăng dần. Cá biệt cũng có trường hợp bệnh nhân lên cơn co thắt dữ dội, suy hô hấp cấp và tử vong. Bệnh nhân khó thở thì thở ra, hoảng hốt, vã mồ hôi lạnh, co kéo cơ hô hấp và đặc trưng nhất là tiếng cò cử hay tiếng thở khò khè. Bệnh nhân thở rất nặng nhọc, ngực như có cảm giác bó chặt, chèn ép và thường phải ngồi dậy, bám vào thành giường để thở. Bệnh nhân cũng thường có ho nhiều với đờm trắng, dính hoặc đặc quánh kèm theo hoặc sốt cao và ho khạc đờm vàng nếu có nhiễm khuẩn (bội nhiễm). Nghe phổi bệnh nhân thấy đầy tiếng rale co thắt (rale rít hoặc rale ngáy). Nếu không được xử trí, diễn biến của cơn hen sẽ nặng dần lên, chuyển thành nguy kịch với các dấu hiệu như mạch chậm rời rạc, tụt huyết áp, hôn mê, thở ngáp, nghe phổi “im lặng”. Có các dấu hiệu này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sắp tử vong.
Những việc cần làm
Khi đã xác định bị hen có liên quan đến môi trường làm việc, đương nhiên, cách dự phòng tốt nhất là cho bệnh nhân chuyển đổi sang một môi trường làm việc mới để loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ. Dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng cần thiết ở người đã từng bị hen do nghề nghiệp và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, luyện tập thể lực nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen. Và ở những người có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng bao gồm thuốc giãn phế quản, corticoid dạng hít hoặc uống theo đúng chỉ dẫn của thày thuốc để dự phòng cơn hen. Và cuối cùng, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, tránh cho người lao động tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên liên tục với các chất độc hại là một biện pháp hữu ích, hàng đầu trong việc phòng tránh hen cũng như các bệnh lý có liên quan đến nghề nghiệp khác.
Làm việc tại các công xưởng, nhà máy luôn có những yếu tố nguy cơ đối với những người có bệnh hen nói chung và hen do nghề nghiệp nói riêng.
Xấp xỉ 21% số bệnh nhân hen phế quản có biểu hiện nặng nên ở nơi làm việc và các triệu chứng thuyên giảm khi ra khỏi nơi đó. Tại Mỹ, hen phế quản có liên quan đến nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh lý phổi có liên quan đến nghề nghiệp. Hen phế quản có liên quan đến nghề nghiệp chiếm 15% ở Canada và hiện nay, đã tăng lên gấp bốn lần tại các nước đã phát triển trong vòng 20 năm gần đây.
PGS. TS. Vũ Đức Định