Hạn chế bệnh cúm ở người cao tuổi

Lã Hải Hà (Nghệ An)

Thời tiết lạnh, đặc biệt là khi giao mùa, các bệnh đường hô hấp được dịp tung hoành. Trong các bệnh đường hô hấp thì cúm được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi (NCT). Khi virut thâm nhập vào màng nhầy đường hô hấp, sau thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày, bệnh nhân sẽ thấy ngay dấu hiệu điển hình của bệnh: sốt cao, rùng mình, viêm họng hoặc viêm phế quản. Nếu bệnh nhân có sức khoẻ tốt và có cách điều trị thích hợp, bệnh sẽ thoái lui sau 7 ngày. Nhưng nếu sức khoẻ kém, lại không có biện pháp phòng ngừa và điều trị tích cực sẽ dẫn đến viêm phế quản cấp, viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn và viêm phổi, thậm chí tử vong.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cúm là NCT cần có những biện pháp tích cực nhằm tăng cường hệ miễn dịch, lời khuyên đầu tiên là cải thiện chế độ ăn. NCT cần tăng cường thêm chất đạm từ động vật và thực vật. Nên ăn nhiều rau trái để có đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khoẻ. Nên uống nhiều nước để tăng cường trao đổi chất. NCT nên tập thể dục hàng ngày, nhất là các môn như thái cực quyền, khí công… để tăng cường sức khoẻ và chống chọi lại với bệnh tật. Nên phải giữ ấm vùng mũi họng, cổ, ngực, tay và chân. Vào sáng sớm, sau khi ngủ dậy, nên uống một cốc nước nóng với lát chanh và vài lát gừng để ấm bụng và chống cảm cúm.

ThS. Hà Hùng

Rate this post