Ðừng bỏ lỡ cơ hội cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh

Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” do Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động, ngày 3/6/2017, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” với chủ đề “Hiệu quả của vắc-xin”. Đây cũng là dịp những thông điệp truyền thông về tiêm chủng đến được với cộng đồng và các bậc cha mẹ, góp phần quan trọng giúp trẻ em Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ mít tinh Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng 2017.                        Ảnh: BS. Phạm Quang Thái

 

Hơn 600 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng miễn phí trong Chương trình TCMR

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Vắc-xin bảo vệ cuộc sống của chúng ta thông qua tiêm chủng. Ngày nay, vắc-xin không những được sử dụng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mà còn để phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh mạn tính khác như ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi… Vắc- xin ngoài việc giúp cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí não, còn giúp cho việc bảo vệ sức khỏe của người lớn như các loại vắc-xin phòng cúm hoặc các bệnh mạn tính.

Ðừng bỏ lỡ cơ hội cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnhThứ trưởng Bộ Y  tế Nguyễn Thanh Long vui vẻ trò chuyện với các bố mẹ đưa con đi tiêm chủng tại Trạm y tế xã Nghĩa Dõng, Quảng Ngãi.         Ảnh: BS. Phạm Quang Thái

Hơn 600 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ sau hơn 30 năm triển khai công tác TCMR ở nước ta. Nhiều loại vắc-xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Năm 2016 vừa qua là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 cả nước duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Với những nỗ lực bền bỉ triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc-xin sởi thường xuyên và chiến dịch nhiều năm qua, số trường hợp mắc bệnh sởi năm 2016 được ghi nhận thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, vắc-xin Rubella đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng từ năm 2014, vắc-xin viêm não Nhật Bản được mở rộng triển khai trên cả nước giúp cho trẻ em ngày càng được chăm lo phòng bệnh đầy đủ và toàn diện hơn.

Tuy nhiên, GS. Nguyễn Thanh Long cũng nêu một thực trạng đáng ngại vẫn tồn tại: ở một số nơi vùng sâu, vùng xa trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn, vì vậy một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh trong năm 2016 chỉ đạt 68%, hàng năm hơn 600.000 trẻ lúc mới sinh ra không được tiêm chủng kịp thời vắc-xin này có nguy cơ bị lây nhiễm virut viêm gan B, đặc biệt trong tình hình tỷ lệ nhiễm vi rut viêm gan b trong cộng đồng còn ở mức cao. Tỷ lệ tiêm chủng tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa đạt 90%.

Gần 3,8 triệu trẻ được quản lý thông tin tiêm chủng

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ấn nút khai trương vào ngày 24/3/2017 và được triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/6/2017. Tính đến ngày hôm nay, trên toàn bộ hệ thống đã ghi nhận gần 3,8 triệu trẻ em trong độ tuổi TCMR được quản lý thông tin. Hệ thống là một công cụ tốt để giúp cho ngành y tế, chính quyền các địa phương có thể quản lý chặt chẽ, chính xác các đối tượng tiêm chủng. Đồng thời nó cũng giúp người dân có thể theo dõi, quản lý lịch sử tiêm chủng của mình suốt đời.

Đoàn công tác Bộ Y tế thăm và kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm y tế xã Nghĩa Dõng, Quảng Ngãi.               Ảnh: BS. Phạm Quang Thái

 

Tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng

Từ tháng 6/2017 sẽ đồng loạt triển khai đồng bộ Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia tại tất cả các tuyến trên cả nước. GS.TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: Việc làm này sẽ giúp quản lý đối tượng tiêm chủng một cách toàn diện. Trên hệ thống có thể truy cập thông tin về lịch sử tiêm chủng, số lần tiêm/uống các loại vắc-xin của từng trẻ dù được tiêm chủng trong TCMR hay tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Với những trẻ vãng lai đến tiêm chủng sẽ được hệ thống cập nhật để quản lý theo hộ khẩu thường trú và nơi đăng ký tạm trú. Trẻ sẽ được quản lý chặt chẽ tiền sử tiêm chủng mà không phụ thuộc vào việc bà mẹ giữ sổ ghi chép tiêm chủng hay không hoặc bà mẹ nhớ không đầy đủ về lịch sử tiêm chủng của con mình, trẻ vẫn có cơ hội được tiêm chủng đầy đủ.

Cũng theo GS.TS. Đặng Đức Anh, chủ đề của Tuần lễ tiêm chủng năm nay là “Hiệu quả vắc-xin”, qua đó nói lên tính an toàn của vắc-xin. Tất cả các loại vắc-xin trước khi sử dụng kể cả vắc-xin dịch vụ hay vắc- xin sử dụng trong TCMR được cấp phép lưu hành đều phải đạt được các yêu cầu kiểm tra rất nghiêm ngặt về tính an toàn, hiệu lực và thường xuyên được đánh giá, theo dõi trong quá trình sử dụng. Vì thế, người dân hãy yên tâm vào chất lượng vắc-xin, đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng ngừa khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Mai Linh

Rate this post