“Nghiên cứu của chúng tôi đã thay đổi cách chúng ta xem xét trầm cảm sau đột quỵ chảy máu”, tác giả nghiên cứu tiến sĩ Alessandro Biffi, chuyên gia về thần kinh tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết.
Biffi, giám đốc nhóm nghiên cứu về lão hóa và sức khỏe não bộ thuộc bệnh viện, cho biết thêm rằng: “Trầm cảm không chỉ là một hiện tượng riêng lẻ sau đột quỵ chảy máu. Nó có thể xác định những người dễ bị sa sút trí tuệ, và điều này quan trọng khi bệnh nhân được đánh giá, đặc biệt là ở các cơ sở chăm sóc ngoại trú”.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi gần 700 bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu trong 5 năm. Một nửa trong số đó là phụ nữ, ¾ là người da trắng và phần lớn có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ bệnh tim như tăng huyết áp và/hoặc tiểu đường.
Các khảo sát được tiến hành mỗi 6 tháng sau đột quỵ để đánh giá tâm trạng, lo âu và sức khỏe tâm thần nói chung. Kết quả cho thấy, 40% bị trầm cảm trong vòng 4 năm sau đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cho biết, tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với dân số chung. Hơn nữa, những người bị trầm cảm cũng đối mặt với nguy cơ cao hơn bị sa sút trí tuệ. Hơn 6/10 trường hợp, bệnh nhân cuối cùng bị cả trầm cảm và sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Biffi nói: “Khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ chảy máu, các bác sĩ có xu hướng tập trung phòng ngừa đột quỵ tái phát. Song chúng tôi phát hiện ra rằng, ở những bệnh nhân không bị đột quỵ tái phát, tỉ lệ trầm cảm và sa sút trí tuệ vẫn rất cao, các bác sĩ nên thận trọng để tư vấn cho bệnh nhân và gia đình họ”.
BS P.Liên
(Theo Healthday)