Điều trị zona theo y học cổ truyền

Zona là bệnh do virút Vacirella Zosterirus gây nên được dân gian quen gọi là bệnh giời leo. Virút Vacirella Zosterirus xâm nhập vào dây thần kinh, hạch giao cảm, chúng nhân lên ở hạch rễ sau và gây viêm cấp tính. Virút lan dọc theo rễ dây thần kinh cảm giác ngoại vi làm tổn thương bao Myelin gây tăng nhạy cảm ngoại vi, đau đớn, bỏng rát. Cơn đau, bỏng rát theo đường đi của dây thần kinh cảm giác đó chi phối. Tuy zona là bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời, để bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, bệnh quá nặng thì vi rút sẽ tiêu hủy tế bào thần kinh tủy sống và làm rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ ngoài da.

Theo Y học cổ truyền, zona thuộc loại “ôn bệnh”, nguyên nhân: do thấp nhiệt, do uất kết làm cho kinh lạc bị trở trệ mà sinh ra bệnh. Zona nằm trong phạm trù bệnh ngoại khoa. Trong các y văn cổ có ghi lại, zona có rất nhiều tên gọi khác nhau như: hỏa đái sang, triền yên hỏa đơn, tri thù sang hay xà xuyên sang… Những tên gọi này được đặt theo vị trí, đặc điểm và hình thái của bệnh zona.

Bệnh zona gây nên bởi các nguyên nhân:

– Nội thương tình chí, can uất hóa hỏa dẫn đến can đởm hỏa thịnh, can khí uất kết và chạy đến bàng quang quấn lấy mạch đới.

– Do thấp nhiệt ứ trệ ở kinh tỳ, chức năng vận hóa của tỳ bị suy giảm và tích lại bì phu sinh nên bệnh.

– Do ngoại cảm độc tà hình thành thấp nhiệt hỏa độc dẫn tới bệnh càng trầm trọng hơn.

– Do hỏa độc tích tụ tại huyết sinh ban đỏ, thấp nhiệt độc gây tắc kinh mạch làm khí huyết không thông.

Điều trị zona theo y học cổ truyềnĐiều trị zona theo y học cổ truyềnHình ảnh trước điều trị…

Triệu chứng

– Xuất hiện nốt mụn nước: khi bị zona thần kinh, da sẽ bị đỏ, dần dần xuất hiện những đám mụn nước căng bóng, khó vỡ.

– Bị một bên cơ thể: do bệnh có biểu hiện dọc theo dây thần kinh mà virút cu trú nên thường bệnh nhân chỉ bị một bên cơ thể. Nếu bị 2 bên cơ thể thì bệnh rất nặng, sức đề kháng suy giảm nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

– Đau nhức: đau nhức dọc theo dây thần kinh có virút khu trú, đau mình, đau mắt, đau tai, đau ngực… Đau nhức kèm cảm giác kim châm, kèm cảm giác ngứa ngáy, nóng rát.

Người khỏe mạnh cũng bị zona tấn công nhưng thường gặp hơn ở người cao tuổi, càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Người đang mắc một số bệnh có thể là yếu tố thuận lợi mắc zona như: bệnh về máu (lympho mạn, hodgkin…), đái tháo đường, ung thư, viêm não – màng não, suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần, suy nhược cơ thể, xạ trị, thủy đậu…

Biến chứng của bệnh zona thần kinh

Nếu không được điều trị kịp thời zona sẽ có thể bị biến chứng, thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau khi bệnh đã được chữa khỏi, đặc biệt là ở người cao tuổi. Đau sau zona hay gặp và được đánh giá là “đáng sợ”. Các biến chứng khác ít gặp hơn là bội nhiễm da, tạo mụn mủ loét sâu, sưng bỏng và đau, viêm màng não, viêm tụy cắt ngang hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu, Nếu tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt, hoặc vào tai sẽ bị giảm thị lực.

Điều trị zona

Một trong những điều cần lưu ý là giữ vùng tổn thương do zona được khô ráo sạch sẽ, không tắm, tránh đổ mồ hôi hay sát trùng bằng các dung dịch lỏng thành dòng chảy trên da vì bệnh sẽ dễ lan từ vùng da bệnh sang vùng da lành nếu bị ướt. Nên mặc quần áo rộng, tránh cọ phải vết thương.

Điều trị zona theo y học cổ truyềnVà sau 7 ngày điều trị

Bài thuốc uống trong:

Thể thấp nhiệt: vùng tổn thương có màu đỏ, mụn nước tụ lại và vỡ ra gây lở loét, lưỡi hơi đỏ và có rêu trắng hoặc vàng cho nên cần phải lương huyết, thanh hóa thấp nhiệt và giải độc. Bài thuốc: ý dĩ nhân, đậu đỏ (mỗi loại 15g), phục linh bì, địa phu tử, kim ngân hoa, sinh địa (mỗi loại 12g), xa tiền tử, xích nhược, xa tiền thảo, mãxỉ hiện (mỗi loại 10g), hoắc hương, bội lan (mỗi loại 9g) và cam thảo 6g. Sắc ngày 1 thang.

Để giảm đau trong và sau zona: Nước ép cà rốt và cần tây: cà rốt 1 củ vừa, cần tây một nắm, ép lấy nước uống, ngày 1 ly dùng 7- 10 ngày. Bài thuốc này nhiều người dùng thấy có tác dụng giảm đau rõ rệt trong và sau khi bị zona…

 

Thể tỳ hư và thấp trệ: sắc ban chẩn không tươi, có mụn nước dày, thủy bào lớn, loét chảy nước, miệng khô, đầy bụng, phân lỏng, rêu trắng dày,… Bài thuốc: thương truật, hậu phác, bạch truật, bạch linh (mỗi loại 16g), trần bì, trạch tả, trư linh, khương hoạt, kim ngân hoa, bồ công anh (mỗi loại 12g), đại táo 10g, huyết hồ 8g, cam thảo 6g và nhục quế, sinh khương (mỗi loại 4g). Ngày uống 1 thang.

Thể can kinh uất nhiệt: nổi nốt ban đỏ, có nước, căng bóng, họng khô, đau rát, người bứt rứt, ăn uống không ngon, táo bón, rêu lưỡi vàng… Bài thuốc: Long đởm thảo, hoàng cầm, trạch tả, mộc thông và đương quy (mỗi loại 12g), chi tử, sinh địa, cam thảo, mạch môn và huyền sâm (mỗi loại 16g). Đem sắc uống ngày 1 thang.

Cứu ấm:

Dùng điếu ngải cứu đốt cháy hơ ấm trên vùng có mụn nước và cứu xung quanh vùng da bị bệnh cho đến khi vùng da đó đỏ ửng lên. Thời gian cứu ngải là 30 – 40 phút, ngày 1 lần. Chú ý an toàn cho bệnh nhân khi cứu, tránh để tàn ngải cứu rơi vào. Khi cứu ấm có thể kết hợp với bôi thuốc cream Acyclovir phết một lớp mỏng trên vùng tổn thương sau khi cứu (có thể thay thế cứu bằng đèn hồng ngoại).Tác dụng cứu: giải độc, chỉ thống, nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, chống viêm, chống phù nề, tăng cường dinh dưỡng cho vùng da bị tổn thương. Mục đích cứu là làm khô và se các mụn nước, phục hồi vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, nhiệt nóng của điếu ngải là một yếu tố vật lý làm cho virút gây zona bị yếu đi.

Châm:

Châm theo tiết đoạn thần kinh: thần kinh tủy sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra làm 2 ngành trước và sau, chi phối vận động, cảm giác một vùng cơ thể gọi là một tiết đoạn. Bệnh lý xảy ra ở vùng nào thì châm theo tiết đoạn thần kinh ở vùng đó để ức chế cảm giác đau, tăng cường dinh dưỡng ngay tại vùng đó. Phương pháp điện châm (hoặc kết hợp với cứu ấm) rất hiệu quả trong điều trị zona nhất là cắt cơn đau sau zona.

Thuốc dùng ngoài theo kinh nghiệm dân gian khác:

Nốt mụn nước chưa vỡ:

– Bài 1: đậu xanh, gạo nếp nhai đắp vào nốt phỏng ngày vài lần, giữ khô tổn thương.

– Bài 2: ngọn lá khoai lang giã nhuyễn đắp vào nốt phỏng ngày 1 lần, ngày hôm sau giữ khô, bỏ lớp củ đắp mới, tiếp cho đến khi khỏi.

– Bài 3: bôi bột thanh đại hoa với nước dùng tăm bông bôi  vào nốt zona.

– Bài 4: lấy đọt ngọn cây mướp và ít muối giã đắp vào nốt zona, giữ khô.

– Bài 5: củ bạch chỉ phơi thái lát tán nhỏ hòa nước đắp bôi vào nơi nốt phỏng.

– Bài 6: cỏ mực rửa sạch, giã nát đắp lên vùng mụn đau, hàng ngày.

– Bài 7: dùng mủ trái sung phết lên chỗ đau.

– Bài 8: dùng nhựa của cây điên điển bôi vào nơi tổn thương.

– Bài 9: mụn nước chưa vỡ dùng thanh lương cao và kim hoàng tán để bôi.

Nốt mụn nước đã vỡ:

– Bài 10: mụn nước đã vỡ dùng bột thanh đại hoặc là thanh đại cao để bôi.

– Bài 11: nếu bệnh zona không gây đau thì dùng bột trơ, hồ nước để bôi.

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Kinh nghiệm của Y học cổ truyền điều trị zona rất phong phú, tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng, nên đi khám để được chẩn đoán chính xác, tư vấn cụ thể và điều trị phù hợp với từng trường hợp vì zona có thể nặng, thể nhẹ, mới mắc, mắc đã lâu, mụn nước mới mọc hay đã lở loét mưng mủ… Người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình và lưu ý giữ vùng bị tổn thương khô ráo.

 

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Rate this post