Ðau ở ngực – Không chỉ mỗi bệnh tim

Một cơn đau ở ngực và cánh tay trái là lý do khiến nhiều người phải vào viện. Bệnh nhân và người nhà thường lo sợ rằng có thể cơn đau do nhồi máu cơ tim gây ra và có thể gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi bị đau ngực lan xuống cánh tay trái hoặc lan lên vùng hàm, có thể báo hiệu một cơn đau tim. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều nguyên nhân gây đau ngực và cánh tay trái.

Đau do bệnh cơ xương

Đau ngực thường gặp nhất là do bệnh liên quan cơ xương. Đau xảy ra khi cơ hoặc sụn ở xương sườn bị viêm (viêm sụn sườn). Nếu các cơ bắp ở vùng ngực bị kéo căng ra, cơn đau có thể lan ra đến cánh tay hoặc cổ, có thể bị nhầm lẫn với đau ngực do bệnh tim. Đây là loại đau ngực xảy ra đột ngột và tiếp tục tăng lên khi có vận động cơ bắp. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở ngực khi ấn tay vào khu vực bị đau. Thông thường, việc điều trị đau ngực do bệnh cơ xương sẽ là thuốc giảm đau chống viêm đồng thời nghỉ ngơi và lý liệu pháp.

Đau thắt ngực

Cơn đau ngực có thể xảy ra do bệnh hẹp động mạch vành gây thiếu máu cơ tim. Đây không phải là cơn đau do nhồi máu cơ tim nhưng là một dấu hiệu dự báo cơn đau do nhồi máu cơ tim có thể xảy ra. Do lưu lượng máu đến cơ tim thấp hơn nên cơ tim không nhận đủ oxy và dinh dưỡng cho trái tim hoạt động. Khi bị “đau thắt ngực kinh điển”, bạn sẽ thấy đau ở ngực dữ dội giống như một cảm giác “nghiền nát” trong lồng ngực. Đau có thể lan tỏa xuống cánh tay trái hoặc thậm chí lan lên vùng xương hàm. Cơn đau tăng lên khi di chuyển hay tập thể dục và giảm đi khi nghỉ ngơi.

 

Ðau ở ngực - Không chỉ mỗi bệnh tim

Viêm màng phổi, tắc mạch phổi, ung thư phổi, bệnh luput và các bệnh phổi khác cũng gây đau ngực.

 

Đau thắt ngực có thể đi kèm với cảm giác khó thở, buồn nôn hoặc nôn mửa. Đau thắt ngực phổ biến hơn ở nam giới độ tuổi trên 50. Người có nguy cơ cao bị đau thắt ngực là hút thuốc lá, cholesterol máu cao, tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng, đặc biệt là khi đường máu cao nhưng không được kiểm soát. Người bệnh cần đến ngay phòng cấp cứu gần nhất để được chẩn đoán xác định. Các phương pháp điều trị bao gồm: giảm cân; lối sống lành mạnh; dùng thuốc giãn mạch vành, thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc can thiệp các thủ thuật để điều trị dự phòng bệnh mạch vành.

Cơn đau tim (nhồi máu cơ tim)

Một cơn đau tim xảy ra khi tất cả các nguồn cung cấp máu thiếu hụt nghiêm trọng để nuôi cho toàn bộ trái tim hoặc thậm chí là một vùng nhỏ của trái tim. Tình trạng này thường được gây ra bởi chứng đau thắt ngực lâu dài và tắc nghẽn tiến triển nặng dần từ các điểm tắc nghẽn nhỏ dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành. Khi cơn đau tim xảy ra, có thể gây đau thắt ngực dữ dội. Ngoài ra, người bệnh có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, khó thở, chóng mặt hoặc mất ý thức, ra mồ hôi lạnh, đau lan tỏa.

Điều trị: Nếu bị đau ở ngực và cánh tay trái với các triệu chứng nêu trên, gọi cấp cứu ngay lập tức và không cố gắng để tự mình đến phòng cấp cứu. Các bác sĩ kiểm tra điện tâm đồ và xét nghiệm các men tim để chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim. Người bệnh phải nhập viện điều trị, có thể can thiệp tim mạch và sử dụng các thuốc tiêu sợi huyết. Cần phải tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi lối sống và dùng các loại thuốc theo quy định.

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Triệu chứng đau ngực do trào ngược dạ dày có thể gần giống một cơn đau tim. Người bệnh thường cảm thấy giống như đau thắt ngực vì vị trí của dạ dày và thực quản gần vùng tim. Đôi khi khó khăn để chẩn đoán phân biệt vì cơn đau do GERD cũng xảy ra đằng sau xương ức, đau như dao đâm và đè ép nhưng thường không lan ra bất cứ nơi nào khác. Cơn đau của GERD là do thực quản co thắt gây ra, do các axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Cơn đau do GERD sẽ tồi tệ hơn khi bạn ho hoặc thở, khi ngồi dậy đau thuyên giảm. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng khác như ợ chua hoặc nóng rát trong miệng, ợ nóng, rát ở vùng dạ dày và khó nuốt thức ăn hoặc chất lỏng.

Điều trị: dùng thuốc ngăn tiết axit dạ dày; tránh hút thuốc lá; tránh uống rượu; ngủ trong một vị trí kê cao đầu và tránh nằm xuống ngay sau khi ăn; tránh các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ.

Đau ngực do bệnh màng phổi

Đau ngực có thể liên quan đến tình trạng viêm ở phổi. Viêm màng phổi có thể bị gây ra do virut, tắc mạch phổi, bệnh luput, bệnh ung thư và những bệnh phổi khác. Người bệnh cảm thấy đau ngực giống như dao đâm và đè ép, đau tăng lên khi ho hoặc thở. Nếu khởi phát đột ngột kèm theo khó thở, có thể cục máu đông làm tắc mạch phổi và cần thiết cấp cứu y tế.

Điều trị: Điều trị chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do bệnh về đường hô hấp, cần điều trị theo nguyên nhân và phục hồi chức năng hô hấp, khuyến cáo người bệnh không hút thuốc lá. Nếu do bệnh luput, cần dùng thuốc để ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch. Nếu có cục máu đông trong phổi, cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Tóm lại, không bao giờ cố gắng để tự chẩn đoán hoặc xử trí trì hoãn cơn đau ở ngực và cánh tay trái tại nhà. Nếu là cơn đau do nhồi máu cơ tim cấp, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

BS. Hải Châu

((Theo wikihow.com và newhealthadvisor.com))

Rate this post