Đái tháo đường týp 1 khác týp 2 như thế nào?

(Ngọc Thiện – Vĩnh Long)

Bệnh ĐTĐ ngày nay được y học thống nhất với tên gọi chung là bệnh ĐTĐ, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1999, thì bệnh ĐTĐ có týp 1 và týp 2.

Bệnh ĐTĐ týp 1 còn gọi là bệnh ĐTĐ phụ thuộc insulin hay bệnh ĐTĐ tự miễn. Bệnh gặp chủ yếu gặp ở trẻ em, thiếu niên và người dưới tuổi 30, do tuyến tụy bị tổn thương gây thiếu insulin.

Còn bệnh ĐTĐ týp 2, là ĐTĐ không phụ thuộc insulin. Bệnh do kháng insulin ở cơ quan đích kèm theo suy giảm chức năng tế bào bê-ta hoặc do suy giảm chức năng tế bào bê-ta kèm theo kháng insulin của cơ quan đích và thường được phát hiện sau 40 tuổi. Người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 thường có thể trạng béo bì, ít vận động thể lực, chế độ ăn hàng ngày quá nhiều đường, tinh bột…

Để điều trị chưa cần dùng thuốc, trước hết anh cần xây dựng cho mình một chế độ ăn hợp lý, cần khống chế đường huyết ở mức bình thường, không gây tăng đường huyết quá mức và cũng không gây hạ đường huyết, đồng thời hạn chế được tăng lipit máu, làm chậm xơ vữa động mạch. Cụ thể:

– Hạn chế dùng đường, người bị bệnh ĐTĐ nên hạn chế ăn đường, chỉ sử dụng trong ăn uống khi nấu các món như canh chua, pha nước chấm. Hiện nay trên thị trường có bán đường dành cho người bị ĐTĐ, bạn có thể dùng thay thế các loại đường thông thường.

– Nên dùng các loại thịt nạc, như thịt như heo, bò, cá, gà, vịt… chỉ sử dụng phần nạc trong khi nấu ăn, bạn cũng có thể thay đổi các loại thịt này bằng lươn, chim, tép tươi, ếch, tàu hũ, trứng… để bữa ăn thêm phong phú, khi chế biến thức ăn nên chọn dầu đậu phộng, dầu mè.

– Ăn nhiều rau xanh và trái cây, xem rau xanh như là thực phẩm cần thiết trongmỗi bữa ăn; các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu bắp đều phù hợp với người ĐTĐ; với trái cây nên sử dụng các loại trái cây có độ ngọt ít như dưa hấu, dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long… Các trái cây trên anh có thể ăn hay có thể ép nước uống trước, trong, hoặc sau mỗi bữa ăn.

– Bỏ các thói quen gây bất lợi cho người bệnh ĐTĐ như thích ăn đồ ngọt, món xào, uống rượu, hút thuốc lá.

– Tập thể dục, với các hoạt động vừa phải hàng ngày như làm việc nhà, đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội cũng giúp hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị bệnh ĐTĐ.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Rate this post