Xin bác sĩ tư vấn về bệnh này, nguyên nhân do đâu, có phương pháp nào chữa trị?
Đinh Trọng Cường (Hà Nội)
Có nhiều nguyên nhân gây rung giật nhãn cầu: di truyền, bạch tạng, bệnh lý tại mắt (đục thể thủy tinh, lé, tật khúc xạ nặng…). Bệnh lý nội khoa: bệnh Meniere, xơ cứng rải rác; đột quỵ (nguyên nhân thường gặp ở người lớn tuổi); chấn thương đầu (nguyên nhân thường gặp ở người trẻ); bệnh lý tai trong; thuốc chống động kinh, nghiện rượu hay thuốc,.. Triệu chứng đầu tiên của rung giật nhãn cầu là chuyển động không có chủ ý của mắt, thường là chuyển động theo chiều ngang, nhưng cũng có trường hợp chuyển động lên xuống theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác như: nhạy cảm ánh sáng, hoa mắt, chóng mặt, quáng gà, thị lực kém… Để chẩn đoán cần khám nhãn khoa tìm xem có các nguyên nhân tại mắt hay không như đục thể thủy tinh, lé, bất thường gai thị hay võng mạc… Bên cạnh đó, bệnh nhân phải được khám tai, thần kinh, chụp CT hay MRI não kiểm tra. Về điều trị: Hiện nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu cho tình trạng rung giật nhãn cầu. Trong vài trường hợp rung giật nhãn cầu mắc phải, ngưng sử dụng thuốc hoặc rượu sẽ làm cải thiện bệnh. Một số thuốc như botox có thể làm giảm một vài chuyển động rung giật mắt, nhưng chỉ có hiệu quả tạm thời. Phẫu thuật cơ vận nhãn có thể làm giảm tư thế đầu ở người bị rung giật nhãn cầu, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và cải thiện vẻ thẩm mỹ bên ngoài. Phẫu thuật có thể giúp cải thiện thị lực nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn rung giật nhãn cầu. Kính đeo mắt và kính tiếp xúc có thể giúp cải thiện thị lực.
BS. Vũ Hồng Ngọc