Tôi thấy triệu chứng táo bón ai cũng gặp phải trong đời, cho biết nếu táo bón kéo dài thì có gây hại gì không? Cần phải làm xét nghiệm gì cho người táo bón và người táo bón phải ăn nhiều chất xơ?
(Bùi Văn Thơm – Tây Ninh)
Dấu hiệu và triệu chứng táo bón mạn tính bao gồm: đi cầu ít hơn 3 lần trong một tuần; phân cứng hoặc lổn nhổn cục ở ruột già; bệnh nhân cảm thấy có sự tắc ở trực tràng ngăn cản sự chuyển động của ruột già; bệnh nhân cảm giác không thể đi hết được phân khỏi trực tràng; cần phải có sự hỗ trợ để làm sạch trực tràng, chẳng hạn dùng tay để ấn trên bụng và dùng ngón tay móc phân ra khỏi trực tràng.
Táo bón được xem là mạn tính nếu người đó trải qua hơn hai các triệu chứng trên trong vòng 3 tháng qua.
Biến chứng của táo bón là việc phù tĩnh mạch vùng hậu môn (gây ra trĩ), rách da vùng hậu môn (gây ra rò hậu môn), gây ra tắc ruột do phân, sa ruột ra hậu môn.
Với triệu chứng bệnh nhân mô tả, bác sĩ sẽ khám tổng quát, thăm khám hậu môn trực tràng và bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân: xét nghiệm máu để đánh giá các bệnh toàn thân như suy giáp, cường tuyến cận giáp; soi hậu môn, trực tràng; soi toàn bộ đại tràng để đánh giá tình trạng tổn thương và co thắt; đánh giá chức năng của cơ thắt hậu môn (đo áp lực hậu môn trực tràng); đánh giá tốc độ cơ thắt hậu môn; chụp X-quang trực tràng có cản quang để đánh giá chức năng các cơ và sự phối hợp các cơ có vai trò tống phân khỏi trực tràng. Ngoài ra còn có thể chụp cộng hưởng từ (MRI).
Tăng cường các chất xơ vào chế độ ăn sẽ tăng khối lượng phân cũng như tốc độ di chuyển qua đường ruột, theo các chuyên gia khuyến cáo thì cần 14g chất xơ cho mỗi 1.000 calo trong chế độ ăn hàng ngày. Chất xơ có nhiều trong trái cây tươi, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Đột ngột ăn vào một khối lượng lớn chất xơ có thể gây ra sinh hơi và nặng bụng vì vậy chỉ có thể tăng lên từ từ.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ