Vào thu thời tiết mét mẻ, trong lành, nhưng lại là thời điểm các loại bệnh tật giao mùa rình rập bé. Các mẹ nên chú ý những điều quan trọng sau đây để bé yêu luôn khỏe mạnh nhé.
1.Giữ ấm cơ thể
Bạn cần để ý đến nhiệt độ cơ thể trẻ, nếu thấy ban ngày còn nóng, về đêm lại lạnh, ra nhiều mồ hôi thì phải xem xét và điều chỉnh lại. Thường khi sang mùa, thời tiết lạnh hơn, nhiều cha mẹ lo về đêm con sẽ lạnh nên mặc hoặc đắp chăn quá nóng, đó có thể là nguyên nhân vã mồ hôi ở trẻ. Cơ thể của trẻ khác người lớn, nóng trước khi người lớn nóng, lạnh trước khi người lớn lạnh, dao động nhiệt độ kém hơn người lớn chúng ta. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho pv báo điện tử Sức khỏe & Đời sống biết bạn không nên lấy cảm giác nóng lạnh của bản thân để áp đặt với trẻ, chỉ nên để ý và điều chỉnh nhiệt độ khéo léo, giúp trẻ thấy thoải mái.
2.Tránh dị ứng
Tiết giao mùa dễ gây ra các bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ. Các bệnh dị ứng đang ngày càng phổ biến hơn, gồm các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa,… hoặc cơ thể phản ứng lại vết côn trùng cắn. Nếu trẻ ngứa ít, có thể mua một số loại thuốc làm dịu da bán ở các quầy thuốc tây gần nhà. Nếu trẻ bị nặng hơn, bạn cần sự tư vấn của bác sĩ để điều trị thích hợp.
Tránh để trẻ gãi chỗ ngữa bởi có thể gây xây xước, tổn thương da.
Nếu trẻ hay bị dị ứng, bạn cần phải giữ gìn mỗi trường xung quanh trẻ, xịt thuốc xịt phòng, dọn phòng thường xuyên, bao gồm cả thay rèm cửa, ga đệm,… sạch sẽ hàng tuần.
Do cơ địa của bé, chế độ dinh dưỡng cần lưu ý, đặc biệt với các trường hợp dị ứng hải sản, lạc, sữa…nếu không trẻ có thể bị sốc phản vệ rất nguy hiểm.
3.Uống thuốc đúng cách
Khi trẻ bị sốt, ốm, bạn cần phải biết liều lượng thuốc đúng dành cho trẻ em. Ví dụ viên thuốc có vạch ở giữa để giúp phân liều, bạn có thể bẻ đôi, bẻ tư cho trẻ uống tùy lứa tuổi.
Tuyệt đối tránh chia liều thuốc loại đóng gói. Mặc dù tính đúng liều lượng thì vẫn có thể cho trẻ dùng, tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến tư vấn của dược sĩ, bác sĩ để đảm bảo đúng liều cho trẻ nhỏ.
4.Tránh thiết bị điện tử
Nhiều phụ huynh có thói quen cho con chơi máy tính, iPad, iPhone,… để cháu ngồi chơi ngoan một chỗ mà không hề biết rằng màn hình không tốt cho trẻ nhỏ.
Từ 0-4 tuổi, trẻ tuyệt đối tránh tất cả các loại màn hình, thiết bị điện tử. Khi lớn hơn, bé có thể sử dụng nhưng không nên quá 15 phút/ngày. Ngay cả việc cho trẻ học qua màn hình máy tính sớm cũng lợi bất cập hại.
5.Sơ cứu kịp thời
Khi để trẻ chơi ở nhà, trẻ có thể gặp những tai nạn bất ngờ như bỏng, nghẹn, đuối nước, điện giật,… Bạn cần trang bị các kiến thức kĩ năng sơ cứu về các trường hợp trên và hướng dẫn trẻ trước những bước cần thiết nếu xảy ra sự cố. Ví dụ khi trẻ bị bỏng nước sôi, nguyên tắc là làm nguội nhanh: nước sạch rất quan trọng, cần tìm nước sạch dội ngay vào vùng da bỏng. Cái nóng sẽ còn tiếp tục vào sâu nên tốt nhất nên ngâm vùng bỏng trong nước ít nhất 30 phút.
Trường hợp bé bị sữa nóng vừa pha bắn vào mắt, có thể gây tổn thương giác mạc nếu bạn không kịp thời xử lý. Tốt nhất nên rửa ngay bằng nước muối sinh lý. Trường hợp mắt vẫn đỏ, ra nhiều gỉ, cần phải đưa bé đi khám.
T.N