Mùa hè, thời tiết oi bức, tôi thường cho con đi bơi nhưng gần đây, con trai tôi bị viêm ống tai. Xin hỏi bơi lội còn có thể gây nên những bệnh tai nào? Cách phòng tránh ra sao?
Nguyễn Thị Nhung (Hải Phòng)
Tai giữa bình thường và viêm tai giữa ứ dịch. |
Khi bơi lặn, nước vào tai, gây ngứa, cảm giác khó chịu, thường ngoáy tai và hi vọng sẽ thoải mái hơn, nhưng chính hành động này làm xây xước da ống tai dẫn tới phù nề và vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm ống tai với các triệu chứng đau tai, đau ngày càng tăng làm cho ta nhai cũng đau, ngáp cũng đau và thậm chí há miệng cũng đau. Đây là biểu hiện của viêm ống tai ngoài. Khi khám tai, bác sĩ sẽ kéo vành tai đau và thấy ống tai bị nề chít hẹp phải vệ sinh tại chỗ ống tai đồng thời dùng kháng sinh toàn thân. Viêm ống tai thường kéo dài 5 – 7 ngày. Viêm ống tai rất hay tái phát nếu chúng ta vẫn hay ngoáy tai.
Ngoài ra, khi bơi lội cũng có thể gây viêm tai giữa do tai của chúng ta được cấu tạo như một hộp kín, bình thường áp suất bên trong cân bằng với áp suất bên ngoài.
Trong trường hợp bơi lội và lặn sâu, hoặc nhảy cầu, sự thay đổi áp lực nước quá cao, đột ngột gây nên chấn thương âm cho tai giữa. Người bệnh cảm thấy đau tai, ù tai, nghe kém kéo dài kể cả khi đã lắc hết nước trong tai ra ngoài. Trong trường hợp này cần phải đến bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng điều trị bằng các thuốc kháng sinh – giảm phù nề và làm thông thoáng đường mũi họng cũng như làm thông thoáng vòi nhĩ (vòi Eustaches) thông từ tai giữa xuống họng. Viêm tai giữa ứ dịch với triệu chứng ban đầu chỉ là đau tai, ù tai sau là nghe kém – khám nội soi có thể thấy màng tai có dịch vàng óng, lúc này phải làm thủ thuật chích màng tai (nhĩ) hoặc đặt ống thông khí để dẫn lưu dịch.
Bơi lội là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng cần phải biết phòng tránh những bệnh không mong muốn do bơi lội gây ra.
BS. Nguyễn Tuyết Mai