Hạn chế hoạt động của phổi
Phổi là cơ quan trao đổi khí, mang ôxy từ khí trời vào máu và carbon dioxide (khí thải của cơ thể) từ máu ra khí trời. Để hoàn tất quá trình trao đổi khí này, phổi cần có hai thành phần là đường dẫn khí và các phế nang (có khoảng 300 triệu phế nang ở cả hai phổi). Tính năng nổi bật nhất của phổi là tính đàn hồi, thường được đánh giá bằng hệ số đàn hồi (hệ số nở phổi, đây là khả năng mà phổi và thành ngực giãn ra để tăng thể tích khi tăng một đơn vị áp suất trong đường dẫn khí). Bình thường ở người còn trẻ, hệ suất đàn hồi phổi tĩnh của cả hai phổi là 200mL/cmH2O. Ở người béo phì, hệ suất đàn hồi của toàn hệ thống hô hấp giảm đến một phần ba so với bình thường. Điều này có nghĩa là khả năng giãn ra của phổi và thành ngực khi cần thiết ở người béo phì bị giảm đi.
Ngoài ra, béo phì khiến khối mỡ ở thành ngực và bụng tăng làm cho các cơ hô hấp không đủ khả năng thực hiện vai trò của mình, đặc biệt là cơ hoành (một cơ dẹt hình vòm phân chia hai khoang ngực và bụng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh lý hô hấp). Do đó, người béo phì có thể bị hội chứng giảm thông khí, khiến họ thường phải thở nhanh và nông.
Bên cạnh đó, béo phì cũng hạn chế sự phát triển của phổi và đường thở. Điều này dẫn đến phổi ở trẻ em bị béo phì phát triển kém hơn và chức năng hô hấp cũng kém hơn so với trẻ không bị béo phì.
Làm tăng nặng bệnh hen suyễn
Mặc dù chưa được giải thích rõ ràng nhưng một vài nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những người béo phì bị bệnh hen thường khó kiểm soát triệu chứng hen, phải nhập viện nhiều hơn bệnh nhân hen không béo phì đến 5 lần và chất lượng sống cũng giảm hẳn. Thống kê cho thấy, 75% những trường hợp bệnh nhân hen phải cấp cứu là người béo phì.
Người béo phì dễ mắc bệnh về hô hấp
Hen suyễn thường có biểu hiện là những đợt lặp đi lặp lại của các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho do tiến trình viêm mạn tính trong phế quản. Trong khi đó, người béo phì lại có “ái tính” cao với viêm nên có thể khiến tình trạng hen thường xuyên hơn, nặng hơn.
Việc chẩn đoán bệnh hen ở người béo phì thường khó khăn hơn do triệu chứng thở khò khè được người bệnh miêu tả thường không rõ ràng như người không bị béo phì. Bên cạnh đó, phương pháp đặc hiệu được sử dụng trong chẩn đoán hen suyễn cũng ít “nhạy” hơn ở người béo phì.
Béo phì có thể làm tăng nặng hơn bệnh hen suyễn do việc dùng thuốc corticosteroid dạng hít ít hiệu quả hơn trong việc điều trị dự phòng hen suyễn ở người béo phì. Không những thế, người bị béo phì còn dễ bị các rối loạn như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn thở khi ngủ gây ra tác động không tốt trong việc chẩn đoán và điều trị hen suyễn.
“Nghịch lý béo phì”có xảy ra với bệnh COPD?
COPD là một bệnh mạn tính, tiến triển liên tục, bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng nhưng chúng thường không dễ dàng phân biệt. Thông thường, viêm phế quản mạn hay gặp ở người béo phì (hoặc dư cân), khí phế thũng hay gặp ở người gầy.
Cũng giống như hen suyễn, ảnh hưởng của béo phì đối với COPD chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và hoàn thiện, nhiều khi còn cho kết quả trái ngược nhau. Một số nghiên cứu được tiến hành ở Đan Mạch, Hàn Quốc cho thấy béo phì có thể chống lại nguy cơ bị COPD hoặc làm giảm tỷ lệ tử vong ở những trường hợp COPD nặng. Các nghiên cứu này có số lượng bệnh nhân tương đối nhỏ cho nên tính thuyết phục không cao. Hiện tượng này, cũng giống với một số bệnh mạn tính khác, có thể gọi là “nghịch lý béo phì” nhưng vẫn còn quá sớm để những bệnh nhân bị COPD cố gắng tăng cân trở thành người béo phì vì vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ ràng hơn về ảnh hưởng của béo phì trên COPD và ngược lại.
Một khảo sát khác của các nhà khoa học Đức tại Đại học Regensburg và nhóm cộng sự người Mỹ lại cho thấy những người béo phì có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tăng cao hơn. Họ nhận thấy phụ nữ có vòng eo lớn hơn 109 cm và đàn ông lớn hơn 116 cm có nguy cơ bị CODP cao hơn 72% so với người có vòng eo bình thường.
BS. Hoàng Nam