Kỳ II:
Khi gắng sức cơ thể cần nhiều oxy hơn. Nếu các động mạch vành bị tắc, cung cấp máu cho tim sẽ trở nên không đủ khi gắng sức nhiều. Vùng cơ tim tương ứng sẽ bị thiếu máu cục bộ và thiếu oxy, điều này sẽ gây ra cơn đau: cơn đau này gọi là đau thắt ngực ổn định.
Đôi khi động mạch co thắt lại vị trí mảng xơ vữa hoặc mảng này vỡ ra, khi đó cơn đau xảy ra trong lúc người bệnh đang ở trạng thái nghỉ. Cơn đau này gọi là đau thắt ngực không ổn định.
Bệnh động mạch vành không phải bao giờ cũng tiến triển từ từ. Nếu một mảng xơ vữa động mạch vỡ ra, nó có thể đột ngột gây thuyên tắc hoặc huyết khối, khi đó động mạch sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn. Trong cả 2 trường hợp các tế bào cơ tim không được cung cấp oxy. Chúng nhanh chóng bị cạn kiệt nguồn dự trữ và chết. Hiện tượng này gọi là nhồi máu cơ tim. Giống như một cái cây chết khô, chỉ có “bộ xương” của các tế bào chết là còn lại, bộ xương này mất khả năng co bóp. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào mức lan rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim chết càng lớn chức năng tim càng suy giảm. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim.
Đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp hơn 50%
Bạn phải làm gì nếu bị đau ngực?
Vì sao biết cần phải làm gì là rất quan trọng?
Vùng cơ tim được tưới máu bởi động mạch vành tắc nghẽn bị hủy hoại nhanh chóng. Nếu động mạch vành được tái thông trong vòng vài phút hoặc vài giờ đầu sau khi nó bị tắc nghẽn thì vùng nhồi máu sẽ ít lan rộng. Mỗi giây đều quan trọng!
Một cơn nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong trong vài giờ đầu. Chẳng thà bạn đến bệnh viện mà không bị gì còn hơn là bỏ sót không phát hiện nhồi máu cơ tim.
Những ai cần biết phải làm gì?
Bản thân bạn và những người chung quanh bạn: bạn biết càng nhiều thì bạn hành động sẽ càng nhanh.
Khi bị cơn đau kiểu gì thì bạn phải hành động?
Mọi cơn đau giống hội chứng mạch vành cấp, và cả cơn đau nhẹ hơn xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc cảm giác khó chịu ở ngực kèm lo lắng, khó thở hoặc vã mồ hôi.
Ai có khả năng bị bệnh mạch vành?
Các yếu tố nguy cơ tim mạch:
Có một số yếu tố nguy cơ bạn có thể điều chỉnh được và một số yếu tố nguy cơ khác bạn không thể thay đổi.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
Tuổi của bạn: bạn càng lớn tuổi thì nguy cơ của bạn càng cao. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn sau khi mãn kinh.
Tiền sử gia đình của bạn: nếu cha mẹ, ông bà hoặc anh chị em của bạn bị một tai biến tim mạch ở độ tuổi tương đối trẻ (trước 55 tuổi đối với nam giới và trước 65 tuổi đối với nữ giới) nguy cơ bị tai biến tim mạch của bạn cao hơn.
Tình trạng bệnh tật nền của bạn.
Giới tính của bạn.
Chủng tộc của bạn.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
Trong số các yếu tố nguy cơ có 2 yếu tố tự bản thân bạn có thể giảm được:
Hút thuốc lá: hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ của bạn (không chỉ là nguy cơ bị một tai biến tim mạch mà cả nguy cơ bị ung thu phổi, ung thư miệng hoặc hầu, ung thư cổ tư cung hoặc ung thư bọng đái…).
Lối sống ít vận động thể lực: những người không vận động thể lực thường xuyên, ví dụ đi bộ nhanh ít nhất một lần mỗi tuần , có tuổi thọ ngắn hơn những người thường xuyên vận động thể lực.
Đối với các yếu tố nguy cơ khác có thể thay đổi, được ban cần có sự giúp đỡ của người bác sĩ của bạn:
Tăng huyết áp.
Đái tháo đường.
Béo phì.
Tăng cholesterol máu.
Uống rượu quá nhiều.
Các nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh một cách thuyết phục tác động có hại của cholesterol. Nguy cơ bị các tai biến tim mạch tăng khi mức cholesterol trong máu cao hơn 1,8 đến 2g/l.
Ở người lớn, nếu mức cholesterol trong máu cao hơn 10% trị số bình thường nguy cơ bị một tai biến tim mạch tăng 30%. Đôi khi cần phải làm một xét nghiệm lipid máu chi tiết chứ không dừng ở việc đo nồng độ cholesterol toàn phần. Việc diễn giải kết quả lipid máu chi tiết là một công việc phức tạp.
Xét nghiệm lipid máu chi tiết bao gồm nồng độ trong máu của 4 loại chất béo: cholesterol LDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol xấu”), cholesterol HDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol tốt”), cholesterol toàn phần và triglycerid. Khi nồng độ trong máu của các chất béo này thường bất thường người bác sĩ sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân và cho bệnh nhân dùng thuốc, thường la với sự giúp đỡ của một chuyên viên tiết thực.
Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành?
Để biết cơn đau ngực của bạn có phải do bệnh động mạch vành hay không bác sĩ của bạn có thể làm thêm một số khám nghiệm. Các khám nghiệm đơn giản nhất sẽ kiểm tra xem dấu hiệu thiếu máu cục bộ có lộ rõ hay không khi tim của bạn phải đáp ứng với một sự gắng sức thể lực.
Điện tim:
Nếu trước đây bệnh nhân chưa từng bị nhồi máu cơ tim, điện tim ghi ngoài cơn đau ngực thường là bình thường. Chỉ có trên điện tim ghi trong cơn đau ngực người bác sĩ tim mạch mới có thể thấy được những bất thường chứng tỏ sự hiện diện của thiếu máu cục bộ và vị trí thiếu máu cục bộ.
Nghiệm pháp gắng sức:
Nội dung của nghiệm pháp gắng sức là ghi điện tim khi đang gắng sức. Nghiệm pháp này được thực hiện trên một chiếc xe đạp gọi là xe đạp “đo năng lượng” (giống như một chiếc xe đạp luyện tập thể lực) hoặc trên một tấm thảm lăn có vận tốc lăn và độ dốc có thể điều chỉnh được. Cường độ gắng sức được tăng dần cho đến khi tần số tim của bạn đạt mức độ tối đa hoặc cho đến khi xuất hiện đau nhực hoặc xuất hiện các bất thường trên điện tim.
Chú thích ảnh:
Đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp hơn 50%
PGS.TS.BS. NGUYỄN HOÀI NAM