Úc lý nhân nhuận trường

 

Úc lý nhân dược liệu (Semen Pruni) là hạt từ quả chín của cây có tên khoa học là Prunus japonica Thunb hoặc Prunus humilis Bge  hay Prunus tomentosa.

Bộ phận sử dụng làm thuốc là hạt của quả chín, được thu hái vào mùa thu rồi phơi nắng dùng chày giã trong cối lấy hạt làm thuốc dùng dần. Thuốc có vị cay, đắng, tính ôn đi vào các kinh tiểu trường và đại trường. Có công năng làm trơn ruột và di chuyển phân (nhuận trường), lợi tiểu, giảm phù. Chủ trị chứng táo bón, được dùng úc lý nhân phối hợp với hạnh nhân, đào nhân và bá tử nhân trong phương “Ngũ nhân hoàn”; hay phù cũng được dùng phương “Úc lý nhân hoàn” gồm các vị úc lý nhân, tang bạch bì, xích tiểu đậu, bạch mao căn.

Liều sử dụng trung bình từ 5 – 12g/ngày. Lưu ý không sử dụng úc lý nhân trong trường hợp có thai hoặc mất nước. Một số loại dược liệu có tác dụng lợi tiểu dùng để chữa phù các chi, cổ trướng, tức ngực, ho hen đàm ẩm. Các dược liệu này thường độc vì vậy khi dùng quá liều hay kéo dài rất có hại cho sức khỏe; do đó khi các triệu chứng giảm cũng cần ngừng thuốc.

Dưới đây xin giới thiệu phương thuốc trị liệu bệnh chứng có sử dụng vị thuốc úc lý nhân.

Trị chứng bí đại tiện: Dùng phương “Nhuận tràng thang” (có thể dùng trị chứng táo bón thường xuyên, nhất là chứng táo bón ở người già, táo bón kèm theo chứng tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, viêm thận mãn mà khi sử dụng các phương thuốc hạ tễ khác không có tác dụng) gồm các vị: đương quy 3g, thục địa 3g, địa hoàng 6g (can địa hoàng 3g), ma tử nhân 2g, đào nhân 2g, hạnh nhân 2g, chỉ thực 0,5 – 2g, hoàng cầm 2g, hậu phác 2g, đại hoàng 1 – 3g, cam thảo 1 – 1,5g, úc lý nhân 5 – 12g, tạo giáp 5 – 12g, khương hoạt 4 – 12g.

Gia giảm: Nếu táo do khí hư thì thêm nhân sâm, úc lý nhân. Nếu táo do khí thực thì gia tân lang (gọi phương là Thông linh thang), mộc hương. Nếu táo do đàm hỏa thì gia qua lâu, trúc lịch. Nếu bí đại tiện do ra mồ hôi và tiểu tiện nhiều, nước bọt khô, dùng phương cơ bản trên nhưng cần gia nhân sâm, mạch môn đông. Nếu bí đại tiện do khí huyết già cả, khô háo gia nhân sâm, tỏa dương, mạch môn đông, úc lý nhân, sinh địa và tăng thêm lượng đương quy, thục địa, giảm đào nhân. Nếu táo bón nặng sau sinh cần gia nhân sâm, hồng hoa, nhưng lại tăng lượng các vị trong phương chính như đương quy, thục địa, bỏ hoàng cầm, đào nhân. Nếu táo bón thực nhiệt thì dùng phương thuốc này, nếu phát sốt cần gia sài hồ. Nếu đau bụng lại gia mộc hương.

Có thể tán bột các vị trong phương trên, ngày uống từ 1 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3g; nếu làm hoàn theo gia giảm các vị cho phù hợp với từng bệnh chứng như đã nêu trên, luyện bột thuốc với mật ong làm hoàn to bằng hạt ngô, ngày uống 50 viên, chia 2 lần, chiêu với nước đun sôi để nguội khi bụng còn đói. Nếu sắc ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần uống nước thuốc còn nóng vào lúc đói. Nếu đại tiện đã thông lập tức ngừng uống thuốc.

Trong khi sử dụng thuốc cần kiêng các thức ăn cay nóng như ớt, rượu, cà phê, thịt chiên rán, nướng…

Đây là phương mà theo sách Vạn bệnh hồi xuân là được sử dụng cho người thể lực tương đối kém, thường xuyên bị bí đại tiện mà hay gặp ở người già. Vốn dĩ đây là phương thuốc luyện với mật ong làm hoàn; nhưng nên dùng theo thuốc tán.

BS. Hoàng Xuân Đại

Rate this post