Rượu thuốc trường thọ – Không được dùng bừa

Hơn nữa, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay nhiều loại rượu tạp tinh lẫn lộn, giả thật đan xen nên sự nhầm lẫn và thất vọng nhiều khi khó tránh khỏi. Mặt khác, do nhận thức sai lầm, nhiều người hễ thấy rượu thuốc bổ là uống lấy uống để chẳng cần đếm xỉa đến liều lượng và chỉ định để rồi chuốc lấy những hậu quả không đáng có.

Người trung và cao tuổi khi gặp nhau thường chúc nhau trường thọ. Đó không chỉ là lời chúc thông thường mà còn là sự thể hiện niềm ước mơ cháy bỏng của con người. Đành rằng, cũng như vạn vật trong vũ trụ, con người không thoát khỏi sự chi phối của quy luật sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ nhưng từ ngàn đời nay con người đã không hoàn toàn chịu khuất phục tạo hoá. Trải qua cuộc sống thực tiễn nghiệt ngã, người ta đã tìm tòi và thí nghiệm, chắt lọc và tích luỹ các tri thức, các kinh nghiệm để tạo nên một hệ thống những phương pháp dưỡng sinh nhằm không ngừng nâng cao sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ. Rượu thuốc trường thọ là một trong vô vàn tinh hoa của kho tàng quý báu đó.

Cũng như rượu thuốc nói chung, rượu thuốc trường thọ là những chế phẩm lỏng được điều chế bằng phương pháp chiết xuất các dược liệu thảo mộc và động vật với rượu. Trong thành phần của chúng có khi chỉ có một vị (rượu đơn), nhưng thường thì có khá nhiều vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng được phối hợp với nhau để phát huy tối đa tác dụng của thuốc (rượu kép). Thật khó có thể kể hết các loại rượu trường thọ đã được sách thuốc cổ ghi lại hoặc lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trong đó có những phương rượu thuốc nổi tiếng như Cố bản hà linh tửu, Hồi xuân bổ ích tửu, Diên thọ tửu, Trường xuân tửu, Khước lão tửu, Ích thọ tửu, Hồi xuân tửu, Thần tiên tửu, Diên linh bất lão tửu, Trường thọ tửu, Sử quốc công dược tửu…

Theo y học cổ truyền, mọi hoạt động sinh lý và diễn biến bệnh lý trong cơ thể con người đều tuân theo quy luật cân bằng giữa âm và dương. Người ta sống đến 40 tuổi thì khí âm đã hao đi một nửa, sức sống bắt đầu dần suy giảm. Đến 50 tuổi thì chân bắt đầu chậm, mắt bắt đầu mờ. Đến 60 tuổi thì thận khí đã suy yếu rõ rệt, thận tinh hao tổn, ngũ tạng hoạt động không được thông thoát nữa. Bởi thế, cổ nhân cho rằng: Cơ thể muốn khoẻ mạnh và trường thọ thì phải biết cách điều hoà âm dương, bồi bổ phần hư yếu. Có thể hiểu một cách đơn giản là: Dương hư thì bổ dương, âm hư thì bổ âm, không thể dùng bổ âm để trị chứng dương hư cũng như không thể dùng bổ dương để trị chứng âm hư. Nguyên tắc này cũng phải được tuân thủ triệt để khi lựa chọn và sử dụng rượu thuốc trường thọ. Xin được lấy hai loại rượu trường thọ nổi tiếng sau đây làm ví dụ minh họa.

Thần tiên diên thọ tửu

Là một loại rượu thuốc được ghi trong sách Vạn bệnh hồi xuân do Cung đình Phu tử, bút hiệu là Vân Lâm tiên sinh soạn thảo ra. “Diên thọ” có nghĩa là sống lâu, là kéo dài tuổi thọ; “Tửu” là rượu; “Thần tiên diên thọ tửu” có nghĩa là thứ rượu có công dụng kéo dài tuổi thọ như thần tiên.

* Công thức: Đương quy 40g, sinh địa 40g, thục địa 40g, thiên môn 40g, mạch môn 40g, ngưu tất 40g, đỗ trọng 40g, tiểu hồi 40g, ba kích 40g, xuyên khung 40g, bá tử nhân 12g, hoàng bá 50g, bạch thược 40g, bạch linh 40g, tri mẫu 40g, phá cố chỉ 24g, sa nhân 24g, bạch truật 24g, mộc hương 12g, nhân sâm 12g, thạch xương bồ12g, kỷ tử 40g, nhục thung dung 40g, viễn chí 24g.

 

Rượu thuốc trường thọ - Không được dùng bừaMạch môn- vị thuốc trong bài “Thần tiên diên thọ tửu”.

 

* Cách chế: Các vị thái nhỏ, cho vào trong một cái thạp sành, đổ thêm 7 lít rượu trắng, đun sôi nhỏ lửa trong ba tuần hương rồi bịt kín miệng chôn dưới đất 3 ngày đêm. Cũng có thể ngâm theo lối thông thường nhưng ít nhất phải sau 3 tháng mới được mở nút đem dùng.

* Cách dùng: Uống mỗi ngày 1- 2 lần, mỗi lần 30 ml vào trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ tối.

* Công dụng và chủ trị: Loại rượu này có công dụng bồi bổ sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ nhưng thiên về bổ âm nhiều hơn nên chỉ dùng cho những người có hội chứng Âm hư  hoặc  Âm hư sinh nội nhiệt biểu hiện bằng các triệu chứng như thể trạng gầy yếu, tâm tính nóng nảy, hay hoa mắt chóng mặt, miệng ráo họng khô, thích uống nước mát, ngủ kém, giấc ngủ không sâu hay mê mộng, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay bàn chân nóng, hay có cảm giác nóng sốt về chiều, gò má đỏ, tai ù tai điếc, nam giới di tinh, tinh dịch ít và nóng, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ ít hoặc không có rêu… Những người có chứng dương hư không nên dùng loại rượu này.

Minh mạng tửu

Đây vốn là phương thuốc do các quan ngự y của Thái y viện triều Nguyễn (1802 – 1945) lập ra để dùng cho vua Minh Mạng (1820 – 1840). Sau này được lưu truyền trong dân gian với tên gọi là “Minh Mạng thang”. Vì có công hiệu bổ thận rất cao nên được ca tụng là thứ rượu uống vào có thể “nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử”.

 

Rượu thuốc trường thọ - Không được dùng bừaNhục quế- vị thuốc trong bài “Minh mạng tửu”.

 

* Công thức: Nhân sâm 60g, tục đoạn 24g, bạch linh 36g, kỷ tử 24g, phòng phong 36g, đại hồi 24g, bạch mật 36g, nhục quế 12g, tần giao 24g, đào nhân 60g, đương quy 36g, đại táo 36g, xuyên khung 36g, độc hoạt 24g, bạch thược 36g, mộc qua 24g, thục địa 60g, thương truật 24g, đỗ trọng 24g, cam thảo 24g, khương hoạt 24g, quy bản 24g, trần bì 24g.

* Cách chế: Ngâm tất cả với 3 lít rượu ngon và 500g đường cát trắng. Sau 3 ngày cho thêm 1,5 lít nước sôi, ngâm thêm 7 ngày nữa thì dùng được.

* Cách dùng: Mỗi ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 30 ml (một chén nhỏ) vào trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ tối.

* Công dụng và chủ trị: Loại rượu này cũng có công dụng bồi bổ và kéo dài tuổi thọ nhưng vì thiên về bổ dương nên trái ngược với Thần tiên diên thọ tửu đã nói ở trên, chỉ dùng cho những người có hội chứng Dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng chủ yếu như thể trạng béo trệ hoặc yếu ớt, dễ bị cảm lạnh, hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, ban ngày dễ vã mồ hôi, miệng nhạt không thích uống nước lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, nam giới thì di tinh, tinh dịch lạnh và loãng, có thể bị liệt dương, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục…Những người có chứng âm hư không nên dùng loại rượu này.

Như vậy, có thể thấy cùng là những loại rượu có công dụng bồi bổ sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ nhưng do khác nhau về sự phối hợp chủng loại và hàm lượng các vị thuốc cũng như cách bào chế nên chỉ định dùng là hoàn toàn khác biệt. Những người có thể chất hoặc bị bệnh thuộc thể Âm hư nếu dùng lầm “Minh Mạng tửu” thì sẽ làm cho phần âm đã hư lại càng hư thêm. Những người có thể chất Dương hư nếu dùng lầm “Thần tiên diên thọ tửu” thì sẽ làm cho phần dương đã nhược lại càng nhược thêm. Rốt cuộc là uống rượu để mong trường thọ mà lại thành ra đoản thọ.

Cũng cần lưu ý là, rượu thuốc trường thọ dù có công dụng bồi bổ và đã được chỉ định đúng người, đúng bệnh nhưng vì chúng cũng là một loại dược phẩm nên tuyệt đối không được lạm dụng để “chén tạc chén thù” và cũng không nên sử dụng quá lâu. Cổ nhân có câu: “Vật cực tắc phản” hay “dương cực sinh âm, âm cực sinh dương”, vì thế dùng thuốc phải có liều lượng hợp lý, không thái quá mà cũng không bất cập. Để đạt được điều đó đòi hỏi phải có những lời khuyên và sự chỉ dẫn tỉ mỉ của các thầy thuốc có chuyên khoa, dẫu rằng các loại rượu này đã được lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong dân gian.

ThS. BS. Hoàng Khánh Toàn

Rate this post