Với một hệ thống lý luận đồ sộ bắt nguồn từ các hệ thống triết học Đông phương kết hợp với thực tiễn trên lâm sàng sinh động, YHCT đã chỉ ra một cách biện chứng về các nguyên lý trong khám và điều trị bệnh, các phương pháp chế biến, bào chế thuốc và các nhóm thuốc trong hệ thống phân loại của mình. Những nhóm phân loại đó được hình thành thông qua các thông số giống nhau hoặc gần giống nhau về tính vị, quy kinh, công năng, chủ trị.
Như vậy, sự hình thành ra một nhóm thuốc của YHCT là rất logic và khách quan. Chẳng hạn, nhóm thuốc tân ôn giải biểu (thuốc phát tán phong hàn) phải bao gồm các vị thuốc có vị cay, tính ấm, có công năng phát tán phong hàn, làm ra mồ hôi (phát hãn), hạ sốt, giảm đau (chỉ thống) với các vị thuốc: quế chi, ma hoàng, hương nhu, tế tân, tía tô, bạch chỉ…Để trị bệnh cảm lạnh (cảm hàn) với các triệu chứng sốt cao, người lạnh, rét nhiều, đau đầu, đau ê ẩm toàn thân… Hoặc nhóm thuốc tân lương giải biểu (thuốc phát tán phong nhiệt) phải bao gồm các vị thuốc có vị cay, tính mát (tính lương), có công năng phát tán phong nhiệt, hạ sốt, có thể làm ra mồ hôi, giảm đau với các vị thuốc: cúc hoa, bạc hà, cát căn, phù bình… Để trị bệnh cảm nóng (cảm nhiệt) với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau ê ẩm toàn thân…
Thuốc cổ truyền có nguồn gốc phát triển hàng ngàn năm, với một hệ thống lý luận đồ sộ bắt nguồn từ các hệ thống triết học Đông phương.
Hoặc thuốc về huyết, bao gồm các nhóm thuốc bổ huyết, thuốc chỉ huyết và thuốc hoạt huyết (thuốc hành huyết).
Thuốc hoạt huyết với công năng làm cho huyết lưu thông. Với nguyên lý của YHCT là “Thông bất thống”, tức là một khi huyết đã thông suốt trong lòng mạch thì không còn hiện tượng “đau đớn” nữa. Tuy nhiên, để đạt được nguyên tắc: “Thông bất thống”, YHCT còn đưa ra những nguyên lý: “Khí hành thì Huyết hành, Khí tắc thì Huyết trệ”, tức là muốn cho “Huyết hành”, tức Huyết lưu thông thì trước hết phải làm cho “Khí hành”. Điều đó có nghĩa là phải dùng kèm thuốc hành khí, khi sử dụng Thuốc Hoạt huyết để trị các chứng “đau” trong cơ thể.
Tuy nhiên, YHCT chỉ có phân loại: Thuốc hoạt huyết, không có khái niệm về “Thuốc hoạt huyết Đông y thế hệ 2 ”. Do vậy, trong các thông tin “quảng cáo” cho thuốc cổ truyền của cơ sở mình sản xuất ra cũng cần phải nắm vững bản chất của từng loại thuốc YHCT. Không nên tự ý thêu dệt nên những khái niệm mơ hồ mà làm mất đi cái bản sắc độc đáo của thuốc hoạt huyết YHCT.
Nhân đây cũng xin giới thiệu một số định nghĩa có liên quan đến thuốc cổ truyền của Việt Nam để bạn đọc có thể tự liên hệ xem thuốc của đơn vị mình sản xuất ra nằm ở vị trí nào trong số các định nghĩa sau đây:
Dược liệu là nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật hay khoáng vật đạt tiêu chuẩn chất lượng để làm thuốc. Dược liệu có thể được sử dụng để làm thuốc, làm thực phẩm chức năng, chiết xuất lấy hoạt chất hoặc nhóm hoạt chất, cao toàn phần.
Thuốc dược liệu (Natural Medicine) là thuốc được hình thành thông qua việc nghiên cứu khoa học trên thực nghiệm và lâm sàng, bao gồm cả các dược chất chiết xuất từ dược liệu.
Thuốc cổ truyền (Traditional Medicine) là vị thuốc hay chế phẩm thuốc được phối ngũ, bào chế từ dược liệu theo phương pháp của YHCT hoặc kinh nghiệm dân gian, được sản xuất dưới dạng truyền thống hoặc dạng hiện đại để phòng bệnh, chữa bệnh.
Thuốc dân gian (còn gọi là thuốc nam), đa phần là thảo dược có nguồn gốc ở Việt Nam, được sử dụng lâu đời, an toàn, hiệu quả nhất định trong cộng đồng.
Thuốc gia truyền: Thuốc được sử dụng trong phạm vi gia đình, dòng tộc nổi tiếng ở một vùng nhất định được nhân dân ghi nhận.
GS.TS. PHẠM XUÂN SINH