Và chúng tôi đến thắp hương tại khu di tích Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thôn Bàu Thượng, xã Sơn Quang. Không ngờ tôi lại gặp ở đây bạn cùng đơn vị cũ là Trung tá cựu chiến binh Đoàn Đức Hiền, nghe tin cha bị mệt, anh cũng vừa từ Hà Nội vào…
Cha của cựu chiến binh Đoàn Đức Hiền là cụ Đoàn Tử Lợi, năm nay 93 tuổi, còn minh mẫn. Cụ Lợi vốn là y sĩ, song sau khi ra trường vào năm giữa của thập niên 60 thế kỷ trước, không hành nghề xa nhà mà suốt đời ở quê chuyên tâm dùng thuốc nam chữa bệnh. Cụ bảo với chúng tôi, ở đây vốn là quê ngoại của Đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791). Hầu như ai cũng biết không ít thì nhiều về thuốc nam. Hôm rồi cụ bị sốt cao lại đau bụng râm ran. Có người bảo cụ bị cảm cúm, người thì bảo cụ bị cảm nhiệt. Anh con trai vội từ Hà Nội về, cụ hướng dẫn anh làm “phép thử”: lấy củ ráy tươi, gọt vỏ, chà xát vào chỗ da mỏng cánh tay gần nách cụ, thấy không ngứa, thế nghĩa là bị phong hàn nhập lý. Lại bảo anh con ra vườn lấy nắm cỏ sữa, rau má và mơ tam thể tươi rang cho khô sắc vào ấm đất nung cho cụ uống. Cụ còn kết hợp uống thêm nước gạo rang, nước đỗ đen rang. Khi gặp chúng tôi, cụ đã khỏe được mấy ngày rồi. Cụ bảo: Toàn là cách chữa bằng thuốc Nam trong bộ sách Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông mà ra cả!
Nhà giáo Đinh Phạm Thái (bên trái) và tác giả đứng bên mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại khu di tích.
Nhân câu chuyện chữa bệnh thuốc Nam, anh Đoàn Đức Hiền kể, năm anh lên 4 tuổi, bị cơn đàm hỏa (viêm phổi cấp), sốt cao, khó thở, nhà lại ở xa bệnh viện. Thế là đang đêm, cha tôi đốt đuốc đi bộ sang nhà một người quen ở chân núi Vũ Quang, có cái lưỡi con khái (hổ) mượn về, mài vào trôn bát sành cho tôi uống, cơn khò khè giảm hẳn, sốt cũng giảm, đến sáng thì qua cơn nguy kịch. Lại còn chuyện này đã xảy đến với cậu con cả của anh lúc nó 12 tuổi. Ngày ấy, quanh nhà cỏ mọc um tùm, cậu con từ nhà ngang đi lên nhà trên, vô tình giẫm lên đám cỏ có con rắn hổ mang đang rình con nhái bén, thế là nó mổ luôn một nhát vào đầu ngón chân phải thằng bé. Ông nội liền bảo lấy ngay sợi dây buộc hơi chặt vào cổ chân, ga-rô cho máu không đưa nọc độc lên tim, rồi bảo tôi ra sau nhà lấy mấy đọt lá dong, rửa sạch, giã lấy nước cho con uống, sau đó tức tốc đưa con lên bệnh xá xã, thầy thuốc liền tiêm nôvôcain phong bế chỗ rắn cắn lúc đó đã sưng tấy. Đông Tây y kết hợp như thế nên thằng bé qua khỏi, thế mà chất nọc cực độc của hổ mang còn làm thịt ngón chân nó bị hoại tử, mãi sau này mới lên da non lấp đầy.
Cụ Đoàn Tử Lợi vui vẻ bảo rằng, đất Hương Sơn, hai ông đến bất cứ nhà nào hỏi chuyện dùng thuốc nam chữa bệnh thì ở đâu cũng nghe khối chuyện hay. Cụ còn cho biết, bên khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có chùa Tượng Sơn, nơi mà Hải Thượng dành phần lớn những năm cuối đời lưu lại đấy, mở phòng mạch chữa bệnh cho dân, chủ yếu là dân nghèo vạn chài sống dọc sông Ngàn Phố. Đại Danh y còn để nhiều thì giờ hoàn chỉnh bộ bách khoa tùng thư Hải Thượng y tâm tông lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bằng chữ Hán nôm truyền cho đời sau. Y tông tâm lĩnh nghĩa là những điều lĩnh hội được từ những thầy thuốc trước, được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm trời, là tài sản vô giá của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Hải Thượng mất rồi mà sách vẫn chưa được in ra, chúng lại có nguy cơ tản mát khắp nơi. Mãi tới hơn 1 thế kỷ sau, vào năm trị vì đầu tiên của vua Hàm Nghi (1885), hậu duệ và các thế hệ học trò mới sưu tầm được tương đối đủ và nhờ nhà sư Thanh Cao trụ trì ở chùa Đồng Nhân đem khắc ván và in. Giờ ở Hương Sơn, không ít nhà vẫn lưu giữ, truyền cho các thế hệ con cháu cách chữa bệnh bằng thuốc Nam từ bộ sách này.
Khu di tích nằm ở chân dãy núi Thiên Nhẫn nhìn ra sông Ngàn Phố. Xuân về, cây cối tốt tươi và khu di tích vừa được Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trùng tu lần thứ ba nom rất gọn gàng, bắt mắt. Chúng tôi vào thắp hương trong chùa Tượng Sơn và đến thắp nén nhang trước mộ Hải Thượng Lãn Ông. Một không gian tịch mịch, thanh cao. Còn nghe văng vẳng câu thơ được Người ứng tác khi về đây ở ẩn, dạy học, chữa bệnh hơn 200 năm trước: Bất can vinh nhục sự/Bảo đao nhập cùng lâm (Sá chi vinh nhục việc đời/Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền).
Bài và ảnh: Phạm Quang Đẩu