Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm lây lan qua không khí. 1/3 dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn lao thì đã có khoảng 5-10% bị bệnh. Đối với người mắc bệnh lao, các triệu chứng thường không rõ ràng trong nhiều tháng, dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị cũng như trở thành nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Lê Phương. |
Hàng năm ước tính có 9 triệu ca bệnh lao mới, khoảng 3 triệu ca không được chẩn đoán và điều trị. Trong 7 năm qua, số ca lao bị bỏ sót không được chẩn đoán gần như không đổi và càng tích lũy thêm mỗi năm. Những người mắc bệnh lao không được chẩn đoán thường do khó khăn trong tiếp cận nơi chăm sóc y tế, do không được chẩn đoán đúng, không được đăng ký hay báo cáo…
Khoảng một nửa số người bệnh lao đã tiêu tốn thời gian, tiền bạc đến cơ sở y tế khám bệnh nhưng không được chẩn đoán đúng. Sự thiếu hiểu biết về bệnh, rào cản về tài chính, sinh sống xa cơ sở y tế, sự mặc cảm… khiến việc chẩn đoán phát hiện bệnh bị chậm trễ.
Bệnh lao có thể được chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc theo phác đồ do thầy thuốc hướng dẫn. Từ năm 1995 đến nay, gần 22 triệu người được cứu sống, số ca tử vong từ năm 1990 đến nay đã giảm 45%. Nếu người bệnh điều trị không đủ thời gian, uống thuốc không đều đặn sẽ có thể bị thất bại hoặc sau này dễ bị tái phát với tình trạng lao kháng thuốc.
Chủ đề và thông điệp chính của Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay là “Tìm, điều trị và chữa khỏi cho mọi người”, đẩy nhanh tiến trình tiến tới không còn bệnh lao vào năm 2035.
Lê Phương