Cách phát hiện sớm trầm cảm sau sinh

Đây là một dạng rối loạn có các triệu chứng giống với trầm cảm thông thường. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra rối loạn này lại khác với nguyên nhân gây trầm cảm thông thường là do thiếu serotonin ở não vì biến động nội tiết ở bệnh nhân sau khi đẻ.

Các dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh cũng giống như các triệu chứng của bệnh trầm cảm nói chung. 9 triệu chứng điển hình bao gồm:

Khí sắc giảm: Khí sắc giảm (khí sắc trầm cảm) là nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn, bi quan, mất hy vọng. Trong một số trường hợp, giai đoạn đầu buồn có thể bị phủ nhận, nhưng có thể biểu hiện khi khám bệnh.

tram cam sau sinh

Mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động: Mất hứng thú hoặc sở thích luôn biểu hiện rõ ràng. Các bệnh nhân cho rằng họ đã mất hết các sở thích vốn có (tôi không thích gì bây giờ cả). Bệnh nhân không còn quan tâm đến em bé mới sinh.

Giảm sút năng lượng: Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi rất hay gặp. Một người có thể than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân cơ thể nào. Thậm chí chỉ với một công việc rất nhẹ nhàng họ cũng cần một sự tập trung lớn. Hiệu quả công việc có thể bị giảm sút.

Khi triệu chứng giảm sút năng lượng xuất hiện rõ ràng thì bệnh nhân hầu như không thể làm được việc gì (thậm chí cả vệ sinh cá nhân cũng là quá sức của họ).

Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân: Sự ngon miệng thường bị giảm sút, nhiều bệnh nhân có cảm giác rằng họ bị ép phải ăn. Họ ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân thường sút cân nhanh chóng (có thể sút vài kg trong một tháng, cá biệt có trường hợp sút đến 10kg).

Mất ngủ, nhưng cũng có thể bệnh nhân ngủ quá nhiều: Rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất trong giai đoạn trầm cảm, điển hình là mất ngủ (chiếm 95% số trường hợp). Các bệnh nhân thường có mất ngủ giữa giấc (tỉnh ngủ vào lúc ban đêm và khó ngủ tiếp) hoặc mất ngủ cuối giấc (tỉnh ngủ quá sớm và không thể ngủ tiếp). Mất ngủ đầu giấc (khó bắt đầu giấc ngủ) cũng có thể xuất hiện. Mất ngủ là triệu chứng gây khó chịu rất nhiều cho bệnh nhân.

Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Thay đổi hoạt động tâm thần vận động bao gồm kích động (nghĩa là bệnh nhân luôn đi đi lại lại, không thể ngồi yên), vận động chậm chạp (ví dụ nói chậm, vận động cơ thể chậm), tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí câm. Họ có thể nằm lì trên giường cả ngày mà không hoạt động gì.

tram cam sau sinhBiến động nội tiết ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể đồng thời là nguyên nhân khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.

 

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Bệnh nhân cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. Chính cảm giác vô dụng và tội lỗi của bệnh nhân khiến bệnh nhân muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống của mình và em bé bằng cách tự sát và từ chối điều trị.

Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Bệnh nhân cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, họ thường phải mất rất nhiều thời gian để cân nhắc những việc thông thường (ví dụ: một người nội trợ đã không thể quyết định mua rau cải hay rau muống). Khó tập trung chú ý của bệnh nhân còn thể hiện ở những việc đơn giản như không thể đọc xong một bài báo ngắn, không thể nghe hết một bài hát yêu thích, không thể xem hết một chương trình tivi mà bệnh nhân trước đây vẫn quan tâm.

Rối loạn trí nhớ ở bệnh nhân thường là giảm trí nhớ gần. Bệnh nhân có thể quên mình vừa làm gì (không nhớ mình đã ăn sáng cái gì, không thể nhớ mình đã bỏ chùm chìa khóa ở đâu…). Trong khi đó, trí nhớ xa (ngày sinh, quê quán, các sự việc đã xảy ra lâu trong quá khứ…) thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.

Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm sau sinh đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Lúc đầu họ nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi…) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng bệnh nhân chết đi cho đỡ đau khổ. Các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, cơ quan… có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết. Từ ý nghĩ tự sát, họ sẽ có hành vi giết em bé rồi tự sát.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh nhân trầm cảm sau sinh nếu có ý định và hành vi tự sát hoặc ý định và hành vi giết em bé thì dứt khoát phải điều trị nội trú tại khoa tâm thần để ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra. Các bệnh nhân có 7 triệu chứng trở lên cũng phải điều trị nội trú vì nguy cơ tự sát rất cao. Các bệnh nhân có dưới 6 triệu chứng, không có ý định tự sát, không có ý nghĩ về cái chết thì có thể điều trị tại gia đình.

PGS.TS. Bùi Quang Huy

(Chủ nhiệm khoa Tâm thần – Bệnh viện 103)

Rate this post