Cam toại còn có tên khác là niền niệt, niệt gió… Tên khoa học: Euphorbia Kansut L. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ. Nên chọn rễ từng chuỗi như cái suốt thoi, vỏ sắc vàng hoặc trắng xám, ít xơ, nhiều bột không mối mọt là tốt. Ngày dùng: 1 – 3g, thường dùng dạng thuốc tán bột uống, dùng ngoài tùy ý. Cam toại thường được nhập từ Trung Quốc và nơi khác. Có nơi dùng cây niệt gió gọi nam cam toại để lợi thủy, trục đàm là không đúng.
Cam toại chủ yếu có chứa các chất euphorbon, kanzuiol, euphorbol, euphol, ingenol, 13-oxyingenol, kansuinine A, B… Theo Đông y, cam toại vị đắng, ngọt, tính hàn. Vào kinh phế, thận và đại trường, có tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt, trừ đàm. Trị thủy thũng, trướng đầy, tích đờm, nước ở phổi, bụng dưới… Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh có cam toại:
Trị chứng âm thịnh gây ra tiêu chảy: Dùng bài Cam toại bán hạ thang (Kim quỹ yếu lược): bán hạ 12g, cam toại 4g, chích thảo 4g, mật 100ml, thược dược 6g. Tác dụng: trục thủy, khử đàm, tán kết, trừ mãn, giải kinh, chỉ thống.
Cam toại tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt, trừ đàm. Trị thủy thũng, trướng đầy, tích đờm, nước ở phổi, bụng dưới…
Trị thực tích bụng đầy đau: Dùng bài Cam toại phá kết tán (Thái Bình thánh huệ phương): cam toại 10g, hoàng cầm 20g, thanh bì 20g, đại hoàng 20g. Tán bột ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g. Tác dụng: thông lợi, trị chứng tích khối do nhiệt tích.
Trị phù thũng bụng căng đầy: cam toại (sao) 6g, hắc khiên ngưu 30g. Tán bột sắc, uống từng hớp (Phổ Tế Phương).
Trị sán khí, sa dịch hoàn: cam toại, hồi hương 2 vị bằng nhau tán bột uống một lần 6g (Trung Quốc Dược học đại từ điển).
Chữa bụng ngực chân tay phù thũng: đại táo 10 quả, cam toại 12g, đại kích 12g, nguyên hoa 12g. Các vị tán bột, trộn đều, mỗi lần uống từ 0,5 – 1,5g, ngày 1 lần vào sáng lúc bụng đói với nước sắc đại táo. Tác dụng: Công trục thủy ẩm (Thập táo thang gia giảm).
Kiêng ky: Tuyệt đối không dùng chung cam toại với cam thảo. Người dạ dày yếu nên thêm đại táo vào thang có cam toại. Phụ nữ có thai cấm dùng.
Lương y Minh Phúc