Tôi hay bị ngứa nổi mày đay, mỗi khi bị ngứa thì mắt cũng rất ngứa. Đi khám bác sĩ nói tôi bị dị ứng mắt. Vậy hạn chế bị dị ứng mắt như thế nào, bác sĩ có cách nào giúp tôi?
Bùi Thanh Bảo (Nghệ An)
Cần phân biệt dị ứng mắt với nhiều bệnh mắt khác, nhất là phân biệt thương tích vào mắt, nhiễm trùng mắt, dùng kính áp tròng, thuốc rửa mắt không hợp, viêm vành mắt, mắt khô hay đường dẫn nước mắt bị nghẹt… Điều trị tùy thuộc bệnh dị ứng mắt nặng hay nhẹ. Nhưng cách hay nhất là phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Bệnh nhân không nên dùng tay dụi mắt vì sẽ kích thích tế bào mast cells làm bệnh tăng nặng thêm. Bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo. Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn điều trị. Chú ý tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc bởi việc dùng tùy tiện hay lạm dụng các thuốc này có thể gây một số biến chứng ở mắt. Nếu không may bị dị ứng với các thuốc tra hoặc nhỏ mắt thì phải dừng thuốc lại, sau đó đem đơn và thuốc đã dùng đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được chẩn đoán và hiệu chỉnh. Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích đã biết có thể gây dị ứng cho mắt.
BS. Nguyễn Thu Hiền