Tầm soát hẹp động mạch thận

(Nguyễn Minh Duy – Bình Phước)

Có hai đối tượng cần phải tầm soát xem có hẹp động mạch thận hay không, đó là nhóm bệnh nhân suy thận tiến triển nhưng không rõ nguyên nhân và bệnh nhân cao huyết áp không đáp ứng với điều trị. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây cần phải xem xét có hẹp động mạch thận hay không:

Cao huyết áp nhưng không kiểm soát được bằng các thuốc hạ áp thông thường; tiếng thổi ở bụng cùng với cao huyết áp (đặt ống nghe cạnh rốn sẽ nghe được tiếng thổi do máu đi qua chỗ hẹp); cao huyết áp trung bình đến nặng ở người bị xơ vữa động mạch (tiền sử bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não); cao huyết áp đang dễ kiểm soát đột nhiên kiểm soát huyết áp rất khó khăn; chức năng thận xấu đi ngay sau khi dùng một loại thuốc hạ áp nào đó (thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin). Hiện nay chẩn đoán hẹp động mạch thận phải đựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng. Về hình ảnh học bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ nhân mạch máu (MRI), chụp cắt lớp mạch máu (CT-Scan) và siêu âm doppler mạch máu. Xét nghiệm chức năng gồm thử nghiệm hoạt tính renin huyết tương (hoạt tính mạnh trong trường hợp bị hẹp động mạch thận) và làm renogram.

Điều trị chứng hẹp động mạch thận triệt để là phải tái lưu thông lại mạch máu chỗ bị hẹp. Việc điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển chỉ có tính chất tạm thời và ở những trường hợp hẹp nhẹ. Có thể phẫu thuật để can thiệp nơi động mạch bị hẹp hoặc dùng phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent (giá đỡ) nơi hẹp của động mạch thận. Sau khi vùng động hẹp trở lại lưu thông máu bình thường thì triệu chứng cao huyết áp sẽ biến mất. Tuy nhiên tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào bệnh nguyên, nếu do xơ vữa động mạch thì hẹp động mạch thận sẽ tái phát ở vị trí khác, nếu do dày thành mạch thì việc can thiệp sẽ đạt kết quả tốt hơn.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Rate this post