Tôi có nên nghe theo chị ấy không?
Nguyễn Thúy Hường(Hà Nội)
Đây là câu hỏi không phải chỉ riêng trường hợp của chị, mà tôi thường nhận được mỗi khi phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Tuy nhiên, câu trả lời của tôi dành cho hầu hết phụ huynh tại phòng khám của tôi là không cần thiết.
Bởi vì chúng ta cần phải hiểu bản chất của men vi sinh là tập hợp các vi sinh vật có lợi ở đường ruột. Trên thị trường có nhiều loại men vi sinh khác nhau. Nhưng tôi tạm chia làm 2 loại: men vi sinh đơn thuần (ví dụ enterogeminal, normagut…) và men vi sinh phối hợp thêm các vitamin, chất khoáng (ví dụ bio-acimine…).
Khi chúng ta bổ sung các lợi khuẩn đường ruột thì bản thân các lợi khuẩn này có khả năng sinh vitamin B1, mà vitamin B1 thì kích thích thèm ăn. Các chất phối hợp thêm trong nhóm men thứ 2 mà tôi đề cập thường là vitamin nhóm B, kẽm, lysine… những chất này cũng giúp trẻ thèm ăn. Do đó, việc bổ sung men vi sinh kể cả loại đơn thuần hay phối hợp đều có khả năng đem lại một chút lợi ích cho việc ăn uống của trẻ.
Không nên bổ sung men vi sinh cho trẻ trong thời gian dài.
Tuy nhiên, lợi ích đó là không nhiều và ngắn hạn, chỉ trong vài ngày hoặc một đến hai tuần là cùng. Vì vậy, ngoài những chỉ định y khoa cần bổ sung men vi sinh, chẳng hạn như: ngừa tiêu chảy do kháng sinh, tiêu chảy cấp do nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử sơ sinh… thì với một em bé bình thường, đại tiện phân tốt thì việc bổ sung men vi sinh là không cần thiết và càng không nên dùng trong thời gian dài. Bởi em bé đang bình thường về tiêu hóa tức là hệ sinh thái vi sinh vật đường ruột của trẻ đang cân bằng giữa nhóm có lợi và có hại, việc bổ sung vi sinh vật ngoại lai vào dù là loại có lợi đi chăng nữa thì chúng ta cũng đang vô tình làm mất đi sự cân bằng của hệ sinh thái đó.
Biếng ăn ở trẻ em có thể là bệnh lý, có thể là sinh lý, có thể sau bệnh, sau tiêm ngừa… Nhưng trong lâm sàng tôi thường gặp trẻ biếng ăn là nguyên nhân sinh lý, do bệnh hay sau bệnh thì cũng sẽ hết sau 2-3 tuần. Còn đại đa số trẻ em biếng ăn là do cách cho ăn sai lầm từ người lớn (ép trẻ ăn khi không muốn ăn, cho ăn thức ăn không phù hợp, bữa ăn đơn điệu…). Chừng nào người lớn chưa thay đổi thái độ và cách hành xử trong vấn đề cho con ăn thì biếng ăn sẽ không thể hết được.
Do đó, cách chữa biếng ăn cho trẻ phụ thuộc vào người chăm trẻ, bạn hãy đến trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn tốt hơn về vấn đề làm sao cho bé của mình không bị lười ăn. Chúc bạn thành công!
BS. Trần Văn Công