Ðối phó với trầm cảm

Tiếp theo số 128

Khi đã được chẩn đoán bệnh trầm cảm, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để chữa trị căn bệnh này triệt để và hiệu quả, tránh tái phát.

Điều trị tấn công

Điều trị tấn công nhằm khống chế gần như hoàn toàn các triệu chứng của cơn trầm cảm. Điều trị tấn công thường kéo dài 4 – 8 tuần.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) tác dụng trên cả hệ thống norepinephrin, serotonin và các hệ thống dẫn truyền thần kinh khác, nên ngoài tác dụng chống trầm cảm, thuốc còn có rất nhiều tác dụng phụ.

Hiệu quả điều trị chống trầm cảm của thuốc TCA liên quan chặt chẽ đến ức chế thụ cảm thể serotonin và norepinephrin. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng chỉ định tốt hơn thuốc SSRI trong các trường hợp trầm cảm có nhiều triệu chứng cơ thể (mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, đau khớp…).

Tâm lý trị liệu là một biện pháp điều trị trầm cảm.

Hiệu quả chống trầm cảm của thuốc TCA xuất hiện sau 2-4 tuần, trong giai đoạn này không thay đổi thuốc chống trầm cảm và nên cho bệnh nhân biết về những điều này để họ hợp tác với bác sĩ tốt hơn trong điều trị.

Nhóm thuốc chống trầm cảm đa vòng có hiệu quả điều trị trầm cảm tương đương với nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhưng ít tác dụng phụ và được dung nạp tốt hơn như mirtazapin, venlafaxin. Tác dụng phụ chủ yếu là an dịu, vì vậy thuận lợi cho bệnh nhân mất ngủ nhiều. Thuốc ít độc với cơ tim nên có thể dùng cho bệnh nhân cao tuổi, có bệnh tim và tăng huyết áp.

Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) là thuốc chống trầm cảm mới tác động chọn lọc trên hệ serotonin. Hầu như không có tác dụng trên các hệ dẫn truyền thần kinh khác, thuốc dung nạp tốt và rất ít tác dụng phụ.

Hiệu quả chống trầm cảm ngang với thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhưng không nhiều tác dụng phụ như thuốc chống trầm cảm 3 vòng; an toàn hơn trong trường hợp quá liều. Thuốc dung nạp tốt, không độc với cơ tim, có thể dùng cho người già.

Tác dụng phụ chủ yếu trên hệ tiêu hóa (đầy bụng, nôn, buồn nôn, chán ăn), trên chức năng tình dục (giảm ham muốn tình dục, khó cương dương) hay gặp nhất là fluoxetin, ít gặp nhất là với fluvoxamin. Ngoài ra, thuốc còn gây đau đầu, mất ngủ, lo âu, run đầu chi trong thời gian đầu dùng thuốc. Các tác dụng phụ này thường hết sau 1-2 tuần điều trị.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có giai đoạn trầm cảm chủ yếu cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần để điều trị.

Sốc điện: là liệu pháp điều trị có hiệu quả nhất cho giai đoạn trầm cảm. Đây là liệu pháp rất an toàn, cho kết quả tốt cả khi dùng thuốc chống trầm cảm thất bại (kháng thuốc).

Sốc điện được chỉ định trong trầm cảm có ý định tự sát, trầm cảm từ chối ăn uống, trầm cảm căng trương lực, trầm cảm có loạn thần, trầm cảm điều trị bằng thuốc chống trầm cảm đủ liều, đủ thời gian mà vẫn không có kết quả (trầm cảm kháng thuốc), các trường hợp dị ứng thuốc chống trầm cảm.

Không được sốc điện trong các trường hợp: trầm cảm có bệnh thực tổn kết hợp như tim mạch, hô hấp, tổn thương não do chấn thương, viêm não…; trẻ em dưới 15 tuổi.

Thường phải làm sốc điện 8-12 lần, cá biệt có trường hợp làm đến 20 lần. Có thể làm hàng ngày hoặc cách ngày. Nếu sau 6 lần sốc điện mà bệnh không có chuyển biến thì coi như thất bại.

Sốc điện thường được dùng để cắt cơn trầm cảm. Vì vậy chúng hay được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc để chống tái phát.

Điều trị bằng tâm lý:

Liệu pháp nhận thức, được chỉ định trong điều trị giai đoạn trầm cảm nhẹ và vừa; có thể kết hợp liệu pháp này với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm.

Liệu pháp hỗ trợ, nhằm tạo sự cân bằng về thực tế của bệnh nhân và phản ứng của họ; bệnh nhân được giúp đỡ những vấn đề mà họ không thể giải quyết; liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm mức độ vừa và nhẹ.

Liệu pháp phân tích tâm lý, giúp bệnh nhân chấp nhận những thay đổi do rối loạn trầm cảm gây ra. Liệu pháp này có mục đích là giúp cho bệnh nhân dung nạp tốt hơn những tình huống chấn thương tâm lý và tự hiểu biết về các triệu chứng. Liệu pháp này thường được kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm vừa và nhẹ.

Điều trị củng cố

Điều trị củng cố nhằm chống tái phát trầm cảm, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Cần tránh hai xu hướng sau: Điều trị củng cố quá ngắn. Nếu điều trị củng cố quá ngắn, bệnh trầm cảm sẽ dễ dàng tái phát. Ngày nay, hầu hết các tác giả đều thống nhất rằng thời gian điều trị củng cố cần kéo dài ít nhất 1 năm; liều thuốc quá thấp sẽ không có tác dụng ngăn chặn tái phát của cơn trầm cảm.

Các thuốc dùng điều trị củng cố hay dùng: amitriptylin (có thể thay amitriptylin bằng các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng khác như clomipramin, venlafaxin, tianeptin hoặc mirtazapin với liều thích hợp) và paroxetin (có thể thay paroxetin bằng các thuốc chống trầm cảm SSRI khác như fluoxetin, fluvoxamin, citalopram, setralin với liều tương ứng).

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103)

Rate this post