Việt Nam – Cộng hoà Áo: Đào tạo miễn phí phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

 

Buổi lễ chính thức ra mắt chương trình AVANTđược tổ chức trong khuôn khổ phiên toàn thể của Hội nghị Khoa học Phục hồi chức năng toàn quốc sáng 13/4 với sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam và sự đồng hành của EverPharma.

Theo chương trình này, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành PHCN của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang các trung tâm PHCN hàng đầu tại Cộng hòa Áo để được đào tạo chuyên sâu về PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ. Khóa học đầu tiên đã đuợc tổ chức tại bệnh viện PHCN Bad Pirawarth và bệnh viện Christian Doppler, Áo. Các bài tập PHCN được giảng dạy trong chương trình đuợc GS.Andreas Winkler, Chủ tịch Hội nghiên cứu lâm sàng PHCN thần kinh Áo và GS.Bernhard Iglseder Viện trưởng Viện lão khoa Bệnh viện Christian Doppler tuyển chọn và hệ thống hóa cho phù hợp với đối tượng người học. Sau khi được tham gia các khóa học PHCN tại Áo, nhóm bác sĩ kỹ thuật viên này sẽ  tiến hành các lớp đào tạo PHCN và kỹ thuật viên trong nước.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Những con số biết nói này khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Tổ chức Đột quỵ Thế giới  (WSO)cũng đã khuyến cáo những liệu pháp PHCN này cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. Theo đó, chương trình AVANT ra đời nhằm nâng cao năng lực PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ thông qua chương trình đào tạo rộng khắp cho các bác sĩ, kỹ thuật viên PHCN và phổ cập đến người chăm sóc bệnh nhân. Nội dung đào tạo bao gồm hai phần chính gồm: Kiến thức chung về đột quỵ gồm cách nhận biết, điều trị, cơ chế phục hồi thần kinh và phòng ngừa tái phát và Các bài tập PHCN thần kinh cơ bản giúp bệnh nhân sau đột quỵ sớm trở về cuộc sống bình thường.

Chương trình đào tạo dự kiến sẽ được triển khai lan rộng trên cả nước, từ các bệnh viện trung ương đến các trung tâm y tế các tuyến trong ba năm, đối tượng được đào tạo không chỉ là cán bộ y tế mà cả người chăm sóc bệnh nhân.

T.K

Rate this post