Số người mắc bệnh ung thư có xu hướng ngày một gia tăng ở Việt Nam và trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong các loại ung thư thì ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020 ở nước ta, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chẩn đoán theo tuổi năm 2010 ước tính là 28,1/100.000 phụ nữ.
Tại hội thảo Ung thư vú Việt – Pháp vừa diễn ra tại BV K Trung ương (cơ sở 3) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về ung thư vú đến từ Pháp và Việt Nam, PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ thông tin: bệnh ung thư vú đang ngày càng trẻ hoá ở Việt Nam. Nếu ở nước ngoài, ung thư vú thường xảy ra ở phụ nữ trên 60 tuổi thì tại Việt Nam đỉnh của ung thư vú là 40 – 50 tuổi; thậm chí tại Bệnh viện K Trung ương đã từng có nhiều bệnh nhân ung thư vú khi ở tuổi 20 – 21.
PGS Trần Văn Thuấn cho biết cũng giống với nhiều bệnh ung thư khác, 2/3 bệnh nhân ung thư vú đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn chính vì thế các biện pháp tầm soát ung thư vú cần được tuyên truyền để chị em phụ nữ tự khám vú và có thói quen đi chụp nhũ ảnh để phát hiện sớm ung thư.
Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu tiền ung thư bệnh nhân chỉ phẫu thuật là khỏi bệnh chứ không để giai đoạn muộn việc điều trị khó khăn hơn. Hiện nay, nếu khám nhũ ảnh phát hiện các điểm u, canxi trong ngực bác sĩ có thể dùng kỹ thuật đưa sợi dây kim loại vào vị trí khối u, lấy ra 1 ít tế bào đem sinh thiết để chẩn đoán ung thư sớm nhất có thể.
“Những phụ nữ có thói quen sử dụng thuốc tránh thai trên 10 năm, gia đình có người bị ung thư vú (như mẹ, chị em gái) cần có các biện pháp sàng lọc sớm hơn vì nguy cơ mắc ung thư của họ cao hơn so với người bình thường” – PGS. Thuấn nhấn mạnh.
Linh San