Bệnh thường xuất hiện ở các khớp chịu tải bởi trọng lượng cơ thể như khớp háng, gối, cột sống… Hậu quả của thoái hóa khớp là gây đau, hạn chế hoặc mất chức năng khớp.
Ai có thể mắc bệnh thoái hóa khớp?
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, người ta thấy có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tình trạng này. Trước đây, mọi người vẫn cho rằng thoái hóa khớp chỉ do tuổi cao, sụn khớp bị lão hóa. Tuy nhiên, cho đến nay thì tuổi tác cũng chỉ là một trong số các yếu tố làm xuất hiện bệnh. Béo phì, chấn thương khớp, hoạt động khớp thường xuyên… cũng là những yếu tố gây nên bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp gặp ở nữ nhiều hơn nam, gặp nhiều hơn ở những người trong gia đình có người bị thoái hóa khớp.
Tất cả các khớp đều có thể bị thoái hóa.
Các biểu hiện dễ nhận biết
Triệu chứng đầu tiên của hầu hết người bị thoái hóa khớp là đau và cứng (khó vận động) khớp, hay gặp nhất là khớp vùng cổ bàn tay, gối, háng và cột sống. Đau khớp thường tăng lên khi vận động và ở thời điểm cuối ngày. Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, sau ngủ dậy. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến vận động cổ gáy, bàn chân. Tình trạng đau và cứng khớp làm cho bệnh nhân bị hạn chế một số động tác như xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc đưa với tay sang bên đối diện… Tình trạng mới đầu không nghiêm trọng, thường chỉ cần uống vài liều thuốc giảm đau chống viêm, tập luyện nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần.
Thoái hóa khớp không phải là bệnh lý nhiễm khuẩn (nhiễm trùng) nên không có tính lây lan. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng khai thác tiền sử, thăm khám vùng khớp, chỉ định chụp Xquang thông thường. Biểu hiện của thoái hóa khớp trên phim Xquang thông thường là hẹp khe khớp, xuất hiện các gai xương rìa khớp (gai mâm chầy, gai cột sống…), đặc xương dưới sụn. Trong thoái hóa khớp, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường.
Điều trị thế nào?
Điều trị thoái hóa khớp gồm nhiều biện pháp: giảm cân, vật lý trị liệu, thuốc và phẫu thuật. Các loại thuốc giảm đau thông thường dòng NSAIDs có thể giảm triệu chứng đau và cứng khớp nhanh nhưng cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc nếu dùng kéo dài như viêm, chảy máu dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy… Các tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nghe khó, nổi mẩn đỏ trên da. Các thuốc dòng NSAIDs nên uống trong bữa ăn. Corticoid là thuốc chống viêm mạnh nên giúp người bệnh giảm triệu chứng nhanh nhưng tác dụng phụ nhiều hơn nếu lạm dụng và sử dụng không đúng cách. Corticoid có thể sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Bơi lội là bài tập tốt nhất cho thoái hóa khớp vì khi bơi lội dưới nước, áp lực lên khớp sẽ giảm, trong khi đó, hệ thống cơ, đặc biệt cơ quanh khớp hoạt động tích cực làm tăng sức khỏe cho cơ.
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định (đối với thoái hóa khớp háng, khớp gối) khi tình trạng đau không còn được cải thiện mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng phác đồ, trên phim chụp Xquang không còn nhìn thấy khe khớp giữa hai đầu xương.
Những việc người bị thoái hóa khớp nên làm
Uống thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ. Hỏi kỹ bác sĩ các loại thuốc mà bạn được kê đơn (liều lượng, cách dùng, chống chỉ định). Thực hiện chế độ ăn và tập luyện hợp lý để giảm cân nếu bạn thừa cân. Tập đều đặn các bài tập do bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn.
Những việc không nên làm
Chờ tác dụng phụ của thuốc tự mất; Ăn quá nhiều trong khi lười luyện tập; Tiếp tục thực hiện các động tác tập luyện gây đau tăng lên cho khớp.
Khi nào nên đến bác sĩ khám?
Hãy đến bác sĩ khám ngay khi có các biểu hiện sau: Gặp tác dụng phụ của thuốc; Tình trạng đau không giảm mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng mức; Khi cần tìm một bác sĩ vật lý trị liệu.
TS.BS. Dương Đình Toàn