Hăm ở dạng nhẹ sẽ tự động khỏi không cần điều trị. Chỉ cần bôi kem trị hăm vào các vết hăm hoặc dùng dầu hướng dương đã sát trùng sẽ có tác dụng khử mùi rất tốt. Nếu bị hăm ở dạng nặng hoặc có mủ, tốt nhất là không bôi kem.
Một số vết hăm khó điều trị có thể là do biến chứng của dạng dị ứng thức ăn. Do đó, nếu mẹ vẫn đang cho con bú thì không nên ăn các thức ăn có thể gây dị ứng cho con như: cà phê, cá, trứng, sữa, đồ hộp, bánh ngọt,…
Hạn chế dùng sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa. Nếu trẻ được nuôi bộ nên đổi sữa bột cho trẻ, tránh không cho trẻ uống nước hoa quả ép.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng – Trường Đại học Y – Dược Hải Phòng cho biết thêm:
Hăm là một chứng bệnh ngoài da. Thông thường lớp da tại vùng tiếp xúc sẽ hơi đỏ, nặng hơn có thể nứt nẻ, đóng vẩy và có thể dẫn tới mưng mủ ở khu vực da bị hăm.
Trong những trường hợp như vậy, chứng hăm chỉ xuất hiện ở những ngấn da. Một điều khá may mắn là hăm ở trẻ tuy phổ biến nhưng lại rất dễ chữa trị và phòng ngừa. Các bà mẹ cần lưu ý dấu hiệu ở trẻ và vấn đề tốt nhất trong phòng ngừa chính là vệ sinh cho bé thật sạch, thật đúng cách.
Những điều các bậc cha mẹ không nên làm khi bé bị hăm: Bôi phấn rôm sẽ làm bít các lỗ chân lông, tăng thêm tình trạng hăm, sử dụng nhiều loại kem bôi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nhi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng.