Do công việc quá nhiều, lại áp lực con cái, học hành nên gần đây tôi rất hay cáu gắt, dễ bị kích động, có lúc có cảm giác ai đó bóp nghẹt tim. Đi khám không có bệnh gì. Có phải tôi bị stress không? Có cách nào khắc phục?
Đoàn Lan Anh (Nghệ An)
Ngày nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi để nói về sự căng thẳng cũng như những hậu quả và tác động của nó đến sức khỏe con người. Biểu hiện là người bệnh có cảm giác sợ hãi mơ hồ, bất an, bối rối khó chịu, dễ bị kích thích, lo nghĩ về những sự việc vụn vặt… kèm theo cảm giác đau thắt ngực, đánh trống ngực, cảm giác trống rỗng thượng vị, vã mồ hôi… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến stress, trong đó nguyên nhân do áp lực công việc chiếm tỷ lệ khá lớn. Rối loạn này không được điều trị sẽ gây hậu quả xấu tới trạng thái tinh thần và thể chất của con người… Để hạn chế những rối loạn do stress gây ra, cách tốt nhất là tránh các tác nhân gây stress từ cơ thể và môi trường bên ngoài. Bạn cũng cần tăng cường rèn luyện thể chất và tinh thần. Thể chất khỏe mạnh sẽ hạn chế được những yếu tố gây stress từ bên trong cơ thể và tăng cường khả năng hoạt động hệ thần kinh cao cấp, cơ quan quan trọng xử lý các tình huống stress. Rèn luyện về tinh thần sẽ cho ta khả năng phản ứng phù hợp và hiệu quả với các yếu tố gây stress. Để phòng tránh và hạn chế stress, cần loại trừ tác động của stress trường diễn, cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tập thể, cơ quan, giảm kích thích xấu trong đời sống hàng ngày; lao động trí óc xen kẽ với lao động chân tay. Rèn luyện nhân cách để chống lại stress cũng rất quan trọng.
BS. Nguyên Diễn